Xây dựng nông thôn mới ở Chiêm Hóa, nhiều chuyển biến tích cực

Sau gần 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện Chiêm Hóa đang từng ngày thay đổi. Hầu hết các xã của huyện Chiêm Hóa khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới đều có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thấp kém, lạc hậu.

Nghề đan cót cho thu nhập đáng kể đối với nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chiêm Hóa.

Trong ảnh: Gia đình bà Phan Thị Bắc, thôn Phố Chinh, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) thu mua cót của các hộ dân.

Theo thống kê rà soát thực trạng năm 2011, các xã trong huyện chủ yếu mới đạt 2-3 tiêu chí, có 2 xã không đạt tiêu chí nào; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp còn chậm, sản xuất nhỏ, phân tán; dịch vụ và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn còn phát triển chậm. Đây là những thách thức không nhỏ đối với huyện.

Trong quá trình thực hiện cho thấy đây là chủ trương hết sức đúng đắn và được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Chiêm Hóa đồng tình ủng hộ. Do vậy, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến việc thực hiện đều được triển khai với quyết tâm cao, có nhiều thuận lợi. Bản thân người dân đã ý thức, xác định là chủ thể xây dựng nông thôn mới. Sau khi có quy hoạch, các xã đều xây dựng kế hoạch tùy theo điều kiện thực tế để thực hiện các tiêu chí theo lộ trình. Theo kế hoạch đến năm 2015, Chiêm Hóa sẽ có 2 xã điểm là Kim Bình và Yên Nguyên hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, năm 2020 sẽ có 9 xã hoàn thành, còn lại những xã khác mục tiêu đặt ra đến năm 2030.

Đối với các tiêu chí như văn hóa, xây dựng hệ thống chính trị và an ninh trật tự là những tiêu chí tác động trực tiếp vào ý thức, trách nhiệm chủ thể và đều đã được đảng bộ, chính quyền và người dân được quan tâm, chấn chỉnh. Để đạt được tiêu chí này thì bản thân mỗi người dân luôn xác định phải xây dựng nông thôn mới ngay chính từ gia đình mình, từ việc quy hoạch hệ thống chuồng trại, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, ngõ xóm, bảo ban con cái học hành, chấp hành những quy định của pháp luật. Với mỗi cán bộ, đảng viên phải nỗ lực trong công tác góp phần xây dựng tổ chức, tập thể vững mạnh. Những tiêu chí này dễ đạt nhưng lại khó giữ và chúng có liên quan đến nhau, nếu không đạt tiêu chí này sẽ mất tiêu chí kia. Ví dụ, nếu trên địa bàn để xảy ra vụ việc về an ninh trật tự thì cũng sẽ không đạt tiêu chí văn hóa và cũng không đạt cả tiêu chí xây dựng hệ thống chính trị. 

Năm 2012, huyện có 5/25 xã đạt tiêu chí văn hóa, dự kiến năm 2013  sẽ có 16 xã đạt. Tương tự như vậy với tiêu chí xây dựng hệ thống chính trị xã hội, từ 5 xã dự kiến tăng lên 12 xã đạt, tiêu chí an ninh trật tự từ 12 xã dự kiến tăng lên 19 xã đạt Các tiêu chí về các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế, môi trường là những tiêu chí đòi hỏi cần phải có nguồn đầu tư lớn. Bằng sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, nhân dân các xã đã tích cực huy động nguồn lực sẵn có, huy động ngày công tham gia xây dựng đường bê tông nông thôn, cải tạo hệ thống kênh mương thủy lợi, xây dựng trường lớp… 

Khuôn viên Trường THCS Phú Bình.

Từ 2011 đến nay, toàn huyện đã nâng cấp và sửa chữa được 18 tuyến đường với chiều dài 26 km bằng các nguồn vốn 134, 135, dự án Dasu với tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng, bê tông hóa giao thông nông thôn được trên 266 km; cải tạo, nâng cấp 10 đập đầu mối, kiên cố 4,3 km kênh mương; cải tạo nâng cấp được 9 trạm biến áp, 30 km đường dây điện; xây 147 phòng học... Mặc dù vậy đến nay, không có nhiều xã đạt các tiêu chí thuộc các nhóm nêu trên như tiêu chí giao thông, chợ, cơ sở vật chất văn hóa, điện nông thôn, nhà ở dân cư, môi trường chưa có xã nào đạt. Chỉ có một số tiêu chí như thủy lợi đã có 18 xã đạt, trường học có 1 xã đạt. 

Xã Trung Hòa khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới không đạt tiêu chí nào trong 19 tiêu chí. Đến hết năm 2012 xã đạt được 3 tiêu chí, trong năm 2013 xã sẽ đạt thêm 4 tiêu chí. Trong các tiêu chí đã đạt có 2 tiêu chí quan trọng đó là tiêu chí (10), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 18 triệu đồng/người/năm và tiêu chí 11, tỷ lệ hộ nghèo của xã dưới 8%. Có thể nói từ khi có Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Trung Hòa vào cuộc, cùng với sự đồng lòng quyết tâm của nhân dân trong xã nên đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi. Năm 2013, kế hoạch huyện giao cho xã thực hiện 2,6 km, xã xây dựng kế hoạch làm 6 km, hiện nay đã làm được 8 km. 

 Đồng chí Lý Đức Quế, Bí thư Đảng ủy xã Trung Hòa cho biết, khó nhất là tiêu chí thu nhập thì xã đã đạt được, là bởi xã đã quy hoạch được vùng chuyên canh trồng mía. Hiện xã có 145 ha, với mức giá hiện nay, mỗi năm cho thu nhập trên 9 tỷ đồng. Bà con nhân dân trong xã rất năng động, hiện có tới 153/810 hộ làm các loại hình dịch vụ như buôn bán, xay xát, sửa chữa xe máy… Bà con còn làm thêm nghề đan cót, ước tính mỗi năm, toàn xã thu nhập thêm trên 1 tỷ đồng từ công việc này. Với tiềm lực trên, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch hàng năm và dự kiến năm 2020 xã sẽ hoàn thành 19 tiêu chí.

Theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp huyện chuyên trách về xây dựng nông thôn mới cho biết, để làm tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì trước mắt huyện phải làm tốt công tác quy hoạch sản xuất. Hướng quyết tâm của huyện trong thời gian tới nâng vùng chuyên canh cây mía lên 5.000 ha, hiện nay đạt khoảng 2.800 ha; phát triển vùng chuyên canh trồng lạc tại 13 xã; đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông như đậu tương, rau quả các loại; phát triển diện tích trồng chuối ở một số xã lên khoảng 800 ha. Về chăn nuôi phải ổn định số lượng, nâng cao chất lượng đàn trâu bò, khuyến khích các hộ dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng trang trại, cung cấp các loại giống cho thị trường. Dự kiến trong năm 2013, huyện Chiêm Hóa sẽ có 2 xã đạt 10 tiêu chí trở lên (Kim Bình và Yên Nguyên), 5 xã đạt từ 7 đến 9 tiêu chí, 10 xã đạt 5 đến 6 tiêu chí còn lại các xã đạt 3 đến 4 tiêu chí. 
       

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục