Chiêm Hóa mở rộng diện tích vùng mía nguyên liệu

Xác định mía là một trong những cây chủ lực để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, năm 2014, huyện Chiêm Hóa tiếp tục phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đầu tư phát triển diện tích mía toàn huyện lên 3.500 ha, tăng 436 ha so với năm 2013.

Diện tích mía của huyện Chiêm Hóa năm 2013 là 2.949,4 ha, tập trung nhiều ở các xã: Vinh Quang (362,6 ha); Hòa An (259 ha); Phúc Sơn (194,7 ha); Xuân Quang (179,6 ha); Minh Quang (172 ha)... Việc mở rộng diện tích đã được huyện triển khai ngày từ tháng 11-2012, từ việc tuyên truyền về các cơ chế, chính sách cho người trồng mía đến việc đôn đốc giải phóng đất, ký hợp đồng với người trồng mía. Trong năm, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương trồng mía bố trí diện tích đất theo quy hoạch được duyệt để nhân dân thực hiện trồng mía. Nhiều xã của huyện đã mở rộng diện tích trồng mới, vượt chỉ tiêu kế hoạch như xã Kim Bình, Hòa Phú…

Nông dân xã Bình Nhân thu hoạch mía. 

Về hiệu quả kinh tế từ trồng mía trên địa bàn huyện, ông Lý Đức Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hòa chia sẻ, xã có hơn 100 ha mía nguyên liệu, tổng thu ước đạt khoảng 10 tỷ đồng. Đây là nguồn thu nhập khá lớn của bà con nông dân trong xã so với các loại cây trồng khác. Do vậy, trong những năm tiếp theo, xã sẽ quản lý chặt chẽ diện đất mía đã được quy hoạch, bố trí hợp lý các diện tích đất khác để tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển cây mía.

Tuy nhiên, trong năm vẫn còn một số xã có diện tích chưa đạt kế hoạch, như: Yên Lập, Bình Phú, Minh Quang… Nguyên nhân là do người dân nhận thấy giá mía có xu hướng giảm, trong khí đó giá vật tư nông nghiệp, nhiên liệu, cước vận chuyển, công lao động tăng cao làm ảnh hưởng đến tâm lý của người trồng mía. Bên cạnh đó, công tác quản lý và triển khai quy hoạch vùng mía nguyên liệu ở một số xã còn hạn chế.

Ông Hà Đức Tập, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết, để tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu mía, đảm bảo cung cấp đủ cho nhà máy, UBND huyện Chiêm Hóa sẽ có kế hoạch tạm giao chỉ tiêu kế hoạch trồng mía năm 2014 cho các xã, thị trấn vùng quy hoạch trong đầu tháng 11-2013. Theo đó, huyện quản lý chặt chẽ diện tích đất quy hoạch trồng mía nguyên liệu giai đoạn 2010-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 6-10-2010; tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu mía của huyện để kiểm tra, đôn đốc và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở trong việc tổ chức thực hiện. Vụ mía năm 2014, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương sẽ đầu tư trên địa bàn huyện hơn 3.002 ha, trong đó trồng mới 550 ha, trồng lại 416 ha, mía lưu gốc 2.036 ha. Công ty dự kiến đầu tư 44,8 tỷ đồng cho các hộ trồng mía, trung bình 14,9 triệu đồng/ha. Ngoài phần vốn đầu tư ứng trước, đối với những diện tích đất đồi bạc màu, độ PH thấp, công ty còn đầu tư không thu hồi cho bà con 700 kg vôi/ha để cải tạo đất; bố trí 6 máy làm đất, đảm bảo năng lực làm đất đạt 420 ha. 

Bên cạnh đó, nhằm loại bỏ dần các giống mía cũ có năng suất thấp, chất lượng kém, thay vào đó tuyển chọn những giống mía có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng, công ty tiếp tục hướng dẫn bà con nông dân trồng và nhân rộng các giống chủ lực như Roc10, Roc22, Liễu Thành, QĐ21... đồng thời, bố trí cho bà con trồng theo từng loại đất với phương châm “đất nào, giống đó”.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục