Nón tre nan - hướng phát triển kinh tế mới gắn với du lịch ở huyện Chiêm Hóa

Chiếc nón bao đời nay luôn gắn bó với người nông dân, bằng đôi bàn tay khéo léo và cần cù từ những vật liệu như lá cọ, tre người dân đã làm nên những chiếc nón với đủ sắc mầu hình dáng. Trong đó có sản phẩm nón tre ở xã Minh Quang huyện Chiêm Hóa.

Nón tre nan của xã Minh Quang đã được huyện Chiêm Hóa lựa chọn là sản phẩm dự thi  thiết kế sản phẩm du lịch và sáng tác biểu trưng, khẩu hiệu, du lịch tỉnh tuyên Quang.

Với bà Ma Thị Liền ở thôn Nà Khau, xã Minh Quang thì chiếc nón luôn là người bạn đồng hành với bà trong cuộc sống thường ngày, trong lao động sản xuất. Với mong muốn sẽ tự tay đan lên những chiếc nón, năm 2016 trong một chuyến đi Thành Phố Tuyên Quang chơi bà Liền đã may mắn gặp được lớp học nghề đan nón tre nan. Khi về địa phương, với kinh nghiệm tích lũy ban đầu bà cũng chỉ đan nón để sử dụng cho gia đình, như một thú vui tao nhã lúc nông nhàn. Không lâu sau đó, sản phẩm của bà Liền được anh em, bạn bè, mọi người trong thôn, trong xã biết đến và đặt mua rất nhiều nên bà làm không hết việc. Để cho chị em biết thêm một nghề, tận dụng thời gian rảnh rỗi để nâng cao thu nhập, bà Liền đã dạy nghề cho một số chị em trong xã, trong thôn cùng tham gia. Nhờ đó mà sản phẩm nón tre nan ở xã Minh Quang bắt đầu được nhen nhóm, khơi dậy từ đây.

Chiếc nón tre nan làm bằng chất liệu giang, cây giang chọn để làm nón phải thật thẳng, giang bánh tẻ khoảng 1 năm tuổi. Có được nan tre đan nón phải mất khá nhiều công đoạn từ việc cắt từng đoạn ống, cạo cật, rồi bổ đôi, bổ ba sau đó ngâm tẩm diêm sinh để làm trắng thanh tre và chống mối mọt. Tiếp đến phơi thật khô và tiến hành chẻ thanh, chẻ lạt, tuốt bóng, đan thành nón và quét dầu bóng… Có như vậy khi đan chất liệu của nón mới đồng đều, bảo đảm được độ mềm dẻo giống nhau. Hiện nay trên địa bàn xã Minh Quang nhiều chị em đã học nghề đan nón tre, tranh thủ những lúc nông nhàn chị em có thể tăng thêm thu nhập từ đan nón tre.

Chiếc nón dường như đã gắn với các bà, các cô và chị em phụ nữ từ xa xưa. Ngày nay, chiếc nón không chỉ phục vụ cho nhu cầu che, đội nữa mà đã trở thành hàng hóa hay mặt hàng lưu niệm được nhiều du khách trong nước và nước ngoài ưa chuộng và biết đến. Nhiều người thích thú khi những chiếc nón tre nan mình đặt được thợ nón lưu ảnh, lưu tên của mình trên đó mang về làm kỷ niệm. Mặc dù sản phẩm nón tre nan mới được phát triển trở lại vài năm gần đây, nhưng sản phẩm đã được người tiêu dùng đặt hàng và nhiều du khách lựa chọn. Hiện nay chiếc nón tre nan có giá bán từ 120 nghìn đồng đến 180 nghìn đồng một chiếc.

Giá trị của sản phẩm không lớn nhưng sự mộc mạc cùng với nét đẹp riêng có của sản phẩm nón tre nan, nhiều người đã lấy đó làm một sự lựa chọn lý tưởng để tặng quà biếu bạn bè và những người bà con ở phương xa. Với niềm đam mê, sự khéo léo, nón tre nan của xã Minh Quang đã được huyện Chiêm Hóa lựa chọn là sản phẩm dự thi  thiết kế sản phẩm du lịch và sáng tác biểu trưng, khẩu hiệu, du lịch tỉnh tuyên Quang./.   

Văn Linh

Tin cùng chuyên mục