Kiểm tra Dự án “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho trâu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”, giai đoạn 2018-2019 tại 02 xã Yên Nguyên và Hòa Phú

Ngày 2/8, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Viện chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra Dự án “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho trâu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”, giai đoạn 2018-2019 tại xã 02 xã Yên Nguyên và Hòa Phú. Đây là Dự án Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh được triển khai thực hiện từ tháng 1/2018 và kết thúc Dự án vào tháng 12/2019 với tổng kinh phí trên 585 triệu đồng từ Ngân sách Nhà nước.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang kiểm tra dự án thụ tinh nhân tạo cho Trâu tại xã Yên Nguyên.

Thực hiện Dự án ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho Trâu tại xã Yên Nguyên của huyện Chiêm Hóa là 70 con/60 hộ dân tham gia từ tháng 2/2018, trong đó có 47 con được phối giống, hiện đã có 15 con nghé được sinh ra, trọng lượng trung bình từ 35-42 kg, như vậy thành công của Dự án tại đây đạt trên 70%. Các hộ gia đình chăn nuôi tham gia dự án được hỗ trợ toàn bộ kinh phí, vật tư phối giống, hỗ trợ trâu chửa đẻ 200.000đồng /01con. Trâu cái tham gia Dự án phải có cân nặng từ 350 kg trở lên, sức khỏe tốt, mỗi con trâu đều được cấp sổ thăm khám định kỳ do cán bộ thú y xã quản lý. Đồng thời, các hộ được tham gia tập huấn kỹ thuật chăm sóc như: phát hiện gia súc cái động dục; biểu hiện động dục, thời điểm phối giống thích hợp; chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc cái sau khi phối giống, vệ sinh thú y và một số bệnh thường gặp, phương pháp điều trị... Đặc biệt là phương pháp thụ tinh nhân tạo, với nguồn con giống được chọn lọc tại trung tâm giống gia súc lớn Trung ương, giống nhập ngoại sẽ giúp tăng nhanh về tiến độ di truyền, cải tiến giống góp phần nâng cao năng suất, chất lượng thịt, khắc phục sự chênh lệch tầm vóc, khối lượng; tránh lây lan những bệnh truyền nhiễm trực tiếp qua đường phối giống tự nhiên. Phương pháp thụ tinh nhân tạo cũng nhằm chuyển đổi quan điểm tập quán chăn nuôi, chuyển đổi đàn trâu, bò có năng suất chất lượng cao mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, thúc đẩy phát triển chăn nuôi ổn định, thu hút và tạo việc làm tại chỗ có thu nhập tốt cho lao động khu vực nông thôn. Góp phần quảng bá nhãn hiệu tập thể "Trâu Chiêm Hóa Tuyên Quang" đã được công nhận 2015. Hơn thế nữa, phương pháp thụ tinh nhân tạo cho trâu khong chỉ khắc phục triệt để được tình trạng thiếu trâu đực mà còn góp phần tăng thể trạng và sức sản xuất của đàn trâu, đặc biệt là đối với trâu thịt. Với giá một con trâu trưởng thành tương đối cao từ 30 đến 40 triệu đồng/con như hiện nay thì phương pháp thụ tinh nhân tạo này sẽ giúp cho người chăn nuôi trâu tại 02 xã Yên Nguyên và Hòa Phú tăng hiệu quả sản xuất chăn nuôi trâu bằng việc chủ động phối giống cho đàn trâu trong những năm tiếp theo.

 

Các hộ tham gia dự án tại thôn Lăng Cuồng xã Hòa Phú.

Đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang, cán bộ Viện chăn nuôi- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã đến kiểm tra đối với một số hộ chăn nuôi tham gia Dự án tại thôn Lăng Cuồng xã Hòa Phú. Thực hiện Dự án tại đây với tổng đàn 40 con, trong đó có 29 con trâu được chọn phối giống, sau hơn một năm chăn nuôi bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, đến nay đã có 06 nghé con được sinh ra. Theo đánh giá chung của các hộ dân tham gia Dự án, những con nghé con sinh ra đều có trọng lượng đạt gấp đôi so với nghé con bản địa. 

Được biết, Dự án “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trâu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”, giai đoạn 2018-2019 được triển khai tại 02 huyện Chiêm Hóa và Sơn Dương. Các con trâu cái phải được tuyển chọn từ ngoại hình như cân nặng đạt từ 350kg trở lên, thăm khám cơ quan sinh sản, phát hiện bệnh lý để có biện pháp sử lý trước khi thụ tinh, đặc biệt Dự án trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật để cho cán bộ thú y ở địa phương có thể trực tiếp làm và nhân rộng sau khi Dự án kết thúc.

Một số hình ảnh của các hộ chăn nuôi trâu tham gia dự án.

 

Hải Hà- Phúc Anh

Tin cùng chuyên mục