Hiệu quả từ mô hình nuôi dê thương phẩm

Với lợi thế đồi núi có nguồn thức ăn tự nhiên đa dạng, vốn đầu tư ban đầu ít, đầu ra ổn định, những năm qua nhiều địa phương trên địa bàn huyện người dân đã chú trọng chăn nuôi dê thương phẩm. Qua đó, giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình nuôi dê của gia đình chị Hà Thị Lệ, thôn Ba 2, xã Nhân Lý mang lại nguồn thu nhập ổn định hàng năm.

Sau hơn 10 năm chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt, gia đình Chị Hà Thị Lệ, thôn Ba 2, xã Nhân Lý đã vươn lên có cuộc sống ổn định, thu nhập khá. Chị Lệ cho biết, việc nuôi dê cũng khá đơn giản chủ yếu nắm được các đặc tính của loài dê để phòng ngừa dịch bệnh; đồng thời chuồng trại phải thông thoáng, sạch sẽ, tránh nắng nóng…Hiện nay, chị Lệ luôn duy trì số lượng đàn từ 100 con trở lên với nhiều lứa, nuôi gối nhau trong năm. Bình quân mỗi con dê xuất chuồng đạt trọng lượng từ 30 đến 40kg, mỗi lần xuất chuồng khoảng từ 20 - 40 con. Với giá cả ổn định đã thu về cho gia đình hàng chục triệu đến 100 triệu đồng mỗi năm.

Ông Lương Xuân Bình, thôn Khun Vai, xã Phú Bình tập trung phát triển chăn nuôi dê thương phẩm.

Từ năm 2019, thấy nhiều gia đình trên địa bàn xã nuôi dê có hiệu quả, ông Lương Xuân Bình, thôn Khun Vai, xã Phú Bình đã đi học tập kinh nghiệm và quyết tâm nuôi dê thương phẩm phục vụ nhu cầu thị trường. Ông Bình chia sẻ, việc chăn nuôi dê phù hợp với địa bàn, có nhiều cây tạp, cỏ dại phát triển là nguồn thức ăn dồi dào để chăn thả dê. Từ việc nuôi một cặp, hai cặp ban đầu, đến nay gia đình lúc nào cũng duy đều đàn dê trên 20 con trong chuồng. Bình quân mỗi năm gia đình bán khoảng 8 đến 10 con dê thịt, góp phần đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình.

Xã Nhân Lý tuyên truyền, khuyến khích các hộ chăn nuôi dê thương phẩm.

Cùng với duy trì, phát triển tốt đàn gia súc trên địa bàn huyện, mô hình nuôi dê thương phẩm cũng đang được phát triển mạnh. Tổng số đàn dê hiện nay có gần 12 nghìn con, được nuôi nhiều ở các xã: Nhân Lý, Phú Bình, Tân An, Yên Nguyên…Từ chỗ chăn nuôi manh mún, tự phát, hiện nay, mô hình nuôi dê ở Chiêm Hóa đã hình thành và phát triển theo hướng hàng hóa mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Hiện mô hình nuôi dê nói riêng và đại gia súc nói chung được khuyến khích theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây là điều kiện, cơ hội để các hộ dân yên tâm phát triển đàn dê, hướng đến phát triển đàn dê thương phẩm trở thành một trong những hướng đi có thế mạnh ở Chiêm Hóa. 

Văn Linh – Hải Hà

Tin cùng chuyên mục