Giải pháp phát triển vùng nguyên liệu mía

Xác định cây mía là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh trong phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho người dân, tỉnh đã xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía đường với diện tích từ 10.380 ha đến 11.635 ha/năm. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển vùng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh có nguy cơ tiếp tục không đạt kế hoạch sau nhiều năm khó khăn.

Phát triển diện tích mía nguyên liệu không đạt kế hoạch

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, việc phát triển diện tích mía nguyên liệu tiếp tục không đạt kế hoạch. Cụ thể, đến tháng 9-2018, cả tỉnh mới thực hiện 8.098 ha/10.396 ha, bao gồm Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương ký hợp đồng sản xuất nguyên liệu của nhà máy là 7.178 ha, diện tích nhân dân tự đầu tư 920 ha. Trong đó, diện tích trồng mới 655,9 ha/1.016 ha, diện tích trồng lại 1.272,6/1.593 ha, diện tích lưu gốc 6.169,5 ha.

Người dân thôn Vĩnh Bảo, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chăm sóc mía trồng
trên cánh đồng lớn diện tích 5 ha. 

Nguyên nhân khiến diện tích mía nguyên liệu nhiều năm không đạt kế hoạch, diện tích mía phế canh không ngừng tăng là do thu nhập từ cây mía thấp hơn so với nhiều cây trồng khác. Qua tính toán, thu nhập từ cây mía đạt trung bình 35,2 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với một số cây trồng như chè, ngô, dong riềng từ 6,6 triệu đồng/ha/năm đến 17,3 triệu đồng/ha/năm, nhưng lại thấp hơn nhiều so với các cây ăn quả có múi như cam (102 triệu đồng/ha/năm), bưởi (74 triệu đồng/ha/năm).

Diện tích trồng mới chỉ đạt 655,9 ha, trong khi diện tích phế canh lên đến 2.493 ha. Nhiều địa phương, diện tích mía phế canh cao như Chiêm Hóa trên 785 ha, Sơn Dương trên 573 ha, Yên Sơn trên 636 ha, Hàm Yên trên 128 ha, thành phố Tuyên Quang trên 105 ha…  

Sự thiếu hụt lao động trong sản xuất cũng khiến diện tích mía giảm mạnh. Những năm gần đây, do sự phát triển các khu công nghiệp đã thu hút một lực lượng lớn lao động từ nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, dẫn đến thiếu hụt lao động, nhất là trong thời vụ trồng và thu hoạch mía. Thiếu lao động, dẫn đến chi phí thuê nhân công tăng. Tại các địa phương, chi phí chặt mía, làm cỏ mía hiện nay từ 150.000 - 180.000 đồng/buổi, tăng 20 - 25% so với năm 2016. Chi phí này chiếm từ 30% trở lên tổng thu nhập từ trồng mía, khiến nhiều hộ gia đình không có lãi hoặc lãi rất thấp.  

Sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, diện tích manh mún, chủ yếu là sản xuất quy mô hộ gia đình (trung bình, mỗi hộ trồng mía hiện chỉ có 0,3 ha); việc thành lập các hợp tác xã liên kết trồng mía số lượng còn hạn chế; công tác cung ứng mía giống, giám sát chất lượng mía giống hạn chế, dẫn đến chất lượng giống trồng chưa được đảm bảo... cũng là tác nhân khiến việc mở rộng diện tích mía nguyên liệu gặp khó. Hiện nay, vùng nguyên liệu có khoảng 16 loại giống mía có nguồn gốc từ Đài Loan, Trung Quốc, Cu Ba, Thái Lan, trong đó chủ yếu là các giống Roc 10, Roc 22, Việt đường 00236, Quế đường 42 và My 5514. Tuy nhiên, việc bố trí cơ cấu giống chưa hợp lý, tỷ lệ mía chín sớm còn nhiều, chiếm đến 87%; tỷ lệ mía chín muộn chỉ chiếm 12,6% diện tích toàn vùng. 

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khiến diện tích mía nguyên liệu khó mở rộng, như cơ giới hóa vào sản xuất còn hạn chế, mới chỉ ứng dụng được trong khâu làm đất, vận chuyển, dẫn đến chi phí thu hoạch, bốc xếp tăng cao. Thời tiết diễn biến bất thường làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của mía, nhiều diện tích mía đã canh tác nhiều năm chưa được luân canh làm gia tăng sâu bệnh hại, gây giảm năng suất mía nguyên liệu; chu kỳ thu hoạch của vườn mía giảm, làm tăng chi phí trồng lại…

Lời giải tăng năng suất, chất lượng

Khó khăn trong mở rộng diện tích, việc nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu được coi là lời giải thiết thực, hiệu quả nhất cho ngành mía đường, khi hiện nay, năng suất mía trung bình của cả tỉnh mới chỉ đạt từ 59,5 - 61,6 tấn/ha; sản lượng hàng năm đạt trên 600.000 tấn/năm. 

Hiện, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã triển khai các mô hình thâm canh mía nguyên liệu tiên tiến năng suất đạt trên 100 tấn/ha, điều chỉnh cơ cấu, bộ giống có năng suất, chất lượng cao với các giống chủ lực là Roc 22, Roc 10, Quế đường 42, Việt đường 93 - 159. Tại Trung tâm giống của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đang tiếp tục khảo nghiệm 30 giống mía để theo dõi, đánh giá khả năng thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu, khả năng chống chịu sâu bệnh và cho năng suất của các giống để làm cơ sở lựa chọn bộ giống tốt, phục vụ cho phát triển vùng mía nguyên liệu của tỉnh.

Năm 2018, các huyện trên địa bàn tỉnh thực hiện 76 mô hình thâm canh tăng năng suất mía, với tổng diện tích thực hiện là 307 ha. Trong đó, huyện Chiêm Hóa 26 mô hình, diện tích 54,4 ha; Sơn Dương 37 mô hình, diện tích 106,7 ha; Hàm Yên 13 mô hình, diện tích 146 ha. Các mô hình chủ yếu là xen canh, chăm sóc sớm, tưới ẩm, cánh đồng lớn… Dự kiến năng suất mía tại các mô hình đạt trên 80 tấn/ha, tối đa sẽ đạt từ 120 - 140 tấn/ha. Đồng thời, thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ tưới tại Trung tâm giống của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương với diện tích thực hiện là 3 ha. 

Ngoài các chính sách của tỉnh như Nghị quyết 12, Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh, Quyết định 10 của UBND tỉnh thì Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng ban hành bộ chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trong 5 vụ (từ niên vụ 2015 - 2016 đến niên vụ 2019 - 2020). Trong đó, hỗ trợ người dân phát triển diện tích, chuyển đổi cây trồng, tích tụ ruộng đất, xây dựng mô hình thâm canh, tưới, trồng mới, trồng lại, làm đất bằng máy, thủ công, cung ứng phân bón hữu cơ khoáng và các loại vật tư khác; chăm sóc mía lưu gốc; hỗ trợ tiền lãi đầu tư ứng trước, hỗ trợ sửa chữa và đầu tư đường giao thông nội đồng, đường vận chuyển, cam kết giá mua mía nguyên liệu bình quân không thấp hơn giá mua các tỉnh phía Bắc… Tổng số tiền thực hiện các chính sách đã đầu tư cho toàn vùng nguyên liệu của 2 nhà máy để thu hoạch vụ 2018 -2019 là trên 86,34 tỷ đồng. 

Từ hiệu quả các mô hình thâm canh tăng năng suất tại xứ đồng Kho Thống - Bình Thể, xã Vinh Quang, cánh đồng mía lớn tại Tân Thịnh (Chiêm Hóa); mô hình chăm sóc sớm mía lưu gốc tại Hàm Yên… đều cho năng suất đạt trên 80 tấn/ha, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng cánh đồng lớn sản xuất mía nguyên liệu. Các hình thức chủ yếu là: Chuyển nhượng đất, thuê đất, liên kết góp đất thông qua hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, tổ hợp tác để tạo ra cánh đồng lớn áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

 

TQĐT

Tin cùng chuyên mục