Chiêm Hóa tập trung phát triển công nghiệp

Những tháng đầu năm, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Chiêm Hóa gặp không ít những khó khăn bởi giá cả, nguyên vật liệu tăng, thiếu vốn, thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp… Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp 6 tháng đầu năm của huyện đạt 153 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2013. Một số sản phẩm chủ yếu tăng so với năm 2013 như: Điện sản xuất, silicolmangan, sản xuất đũa tách xuất khẩu, nước máy tiêu thụ, chế biến lâm sản, gia công cơ khí.

 


Cơ sở sản xuất đũa tách xuất khẩu của Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu
Phúc Lâm tại Cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa).

Điểm nổi bật trong phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Chiêm Hóa thời gian gần đây là việc phát triển các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn. Theo thống kê, hiện toàn huyện có 50 cơ sở chế biến lâm sản, gồm 14 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã và 32 cơ sở sản xuất, kinh doanh của các hộ cá thể trên địa bàn. Chế biến lâm sản ở Chiêm Hóa tương đối đa dạng về sản phẩm như các sản phẩm đồ mộc, chế biến ván bóc, sơ chế gỗ băm dăm phục vụ cho sản xuất bột giấy của nhà máy giấy An Hòa. Việc phát triển các cơ sở chế biến lâm sản đang mở hướng đi mới cho việc phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến ở địa phương; không những thế, các cơ sở chế biến lâm sản cũng đã đang góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn tại các địa phương. 

Cơ sở chế biến lâm sản của anh Hà Quang Trung, thôn An Thịnh, xã Tân An với sản phẩm chính là chế biến ván bóc, tạo việc làm cho nhiều lao động là người địa phương. Anh Trung cho biết: Trung bình mỗi ngày cơ sở của anh chế biến được khoảng 15 m3 gỗ tròn, thu được khoảng 11 m3 ván bóc. Cơ sở của anh thường xuyên nhận được các đơn đặt hàng của các đối tác từ Hà Nội, Hải Phòng. Nhờ đảm bảo được đầu ra, thị trường ổn định mà cơ sở của gia đình anh đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động địa phương với mức thu nhập gần 5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài các cơ sở chế biến lâm sản, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Chiêm Hóa vẫn đang nỗ lực vượt qua những khó khăn chung của thời cuộc, đảm bảo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.

Tại nhà máy sản xuất đũa tách xuất khẩu của Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu Phúc Lâm (Cụm công nghiệp An Thịnh) hiện vẫn duy trì việc làm ổn định cho trên 200 công nhân. Lãnh đạo nhà máy này cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguyên liệu, hiện nay nguồn gỗ bồ đề để phục vụ cho sản xuất đũa của công ty ngày một khan hiếm, trong khi phía đối tác Nhật Bản lại yêu cầu rất cao về chất lượng cũng như mẫu mã. Để đáp ứng đủ theo yêu cầu các đơn đặt hàng, công ty đã phải thu mua nguyên liệu dự trữ ở nhiều tỉnh bạn như Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn…

Để đảm bảo chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp những tháng còn lại năm 2014, huyện Chiêm Hóa đang tập trung đầu tư phát triển một số ngành nghề mũi nhọn được coi là tiền đề, tạo bước đột phá như: chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng... bám sát các chính sách mới theo định hướng của Chính phủ, của tỉnh để bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất; nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để kịp thời đề xuất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh như hỗ trợ vốn từ nguồn kinh phí khuyến công, hỗ trợ xúc tiến thương mại. UBND huyện chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng tập trung rà soát các dự án đầu tư chậm tiến độ để tham mưu cho các cấp chính quyền có giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp đi vào hoạt động có hiệu quả; huyện bảo đảm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính và các thủ tục pháp lý để doanh nghiệp đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trên địa bàn…

 

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục