Cam Trung Hà - vàng trong núi

Tôi theo người bạn men theo chân núi qua vài khe suối nhỏ mát lạnh, trong veo, trước mắt tôi hiện lên bức tranh về chốn thâm sơn cùng cốc đẹp đến lạ thường, mây mù trắng xóa bồng bềnh uốn lượn như những cánh tay ngọc ngà của những nàng tiên ấp ôm những mỏm núi trùng trùng, lộ ra những triền núi trải dài tít tắp như vừa được sơn phủ một lớp sơn dầu xanh ngọc còn tươi nguyên.

 Tháng 9 năm 2009 tôi chuyển vào Trường Tiểu học Trung Hà, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa. Là một giáo viên bộ môn Mĩ thuật, tôi được phân công giảng dạy ở tất cả các khối lớp, đi tất cả các thôn bản trong xã .Một lần trên đường đi dạy học ở thôn Khuôn Pồng về gặp người quen cũ mời ghé vào lều trong vườn nhà chơi. Thì ra đó là vườn cam của gia đình, vậy mà trước giờ tôi chẳng hề biết gì về một sứ sở cam như thế. Tôi reo lên trong ngỡ ngàng và thích thú, thật không thể ngờ, cái trốn mà tôi đã coi là thâm sơn cùng cốc này lại chứa đựng một sức sống mãnh liệt, một tiềm năng kinh tế to lớn như vậy, tôi chợt hiểu về những triệu phú “chân đất" mà trước đó tôi rất mơ hồ khi nghe nói về họ. Tháng 11/2009 tôi quyết định vay vốn ngân hàng mua một vườn cam năm trăm gốc 7 năm tuổi với giá gần 100.000.000VNĐ. Gắn bó với cây cam, với những người làm cam dần dần tôi cũng hiểu hơn về thực trạng nghề trồng cam của xã Trung Hà nói riêng và Chiêm Hóa nói chung. Với tôi thực sự là vừa mừng lại vừa lo. Diện tích trồng cam ở Chiêm Hóa chủ yếu tập trung ở xã Trung Hà, nhiều nhất là vùng Khuôn Nhòa, Khuôn Pồng, Khuôn Quáng, Khuổi Đinh, Khuổi Hỏi, Bản Tháng, Bản Ba với tổng số Khoảng trên 200 hộ gia đình có vườn, tổng diện tích khoảng 300ha, trong đó khoảng 200 ha đang cho thu hoạch, mỗi năm cho sản lượng ước đạt 2.500 tấn cam quả. Ngoài vùng cam Trung Hà Huyện Chiêm Hóa còn một số xã có vùng cũng trồng cam như Trung Hòa, Hòa An, Ngọc Hội…Cam được trồng quanh nhà, các trang trại nhỏ với quy mô hộ ít vài trăm cây, hộ nhiều nhất tới 3.000 cây, tương đương từ 8 -10 ha, mỗi năm cho thu lãi từ vài triệu đồng tới vài trăm triệu đồng.

Với người nông dân xã Trung Hà,  chủ yếu là các dân tộc thiểu số như người Tày, người Dao thì cây cam thực sự là cứu tinh không chỉ mang lại công ăn việc làm, giúp họ xóa đói giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu nữa. Song có một thực tế đáng buồn ở đây là người nông dân làm cam quá nhỏ lẻ, manh mún, không áp dụng triệt để khoa học kĩ thuật, thiếu sự đầu tư, không chuyên nghiệp hóa mang tính hàng hóa, thâm canh tăng năng suất dẫn tới bà con “sống trên vàng” mà vẫn còn rất nhiều những hộ nghèo. Để giải đáp những thắc mắc của mình tôi thường tiếp xúc với những người nông dân nơi đây và hỏi han họ - Tiều, một nông dân thôn Khuôn Nhòa tâm sự: ngày trước em cũng trồng hơn 500 gốc nhưng thấy cam rẻ quá, anh Đường nhà em có 600 gốc năm ngoái thu được những hơn 30 tấn trừ tri phí vẫn còn lỗ mấy triệu, thấy chán nên em lại trặt bỏ cam để trồng ngô. Cô Hoa, một nông dân khác lại tâm sự: năm ngoái cô thu được gần trăm tấn cam, bán tại vườn thì rẻ quá thấy tiếc nên trở đi tận Hà Nội để bán, mỗi lần trở mấy xe bán lay lắc mãi cam thối nhiều nên sau khi trừ hết các chi phí còn lỗ. Sau đó vài giây, cô lại cười mãn nguyện : ấy như năm nay lại hay, chán chẳng buồn chăm sóc nên năng suất giảm chỉ còn được có 30 tấn nhưng giá cam lại "lên giá" bán được gần hai trăm triệu rồi, chẳng phải lo, chẳng phỉa mất tí tiền đầu tư nào, nhưng mình lại được ăn tất. Rồi cô còn ví dụ nhiều nhiều các gia đình khác giữa được và mất, giữa khóc và cười…cuối cùng cô kết luận : - úi rùi, tại cái số ! Lo lắng cho hai chữ “cái số“ tôi tìm gặp chú Đạt - một người nông dân giỏi, một triệu phú “chân đất” thực sự nơi đây, nhờ sự chia sẻ của chú tôi cũng bớt lo phần nào. Theo chú thì không tồn tại hai chữ số phận như người ta vẫn thường đổ lỗi cho sự được, mất. Chú cho rằng: cây cam là loại cây ăn quả rất phù hợp với mảnh đất này, có tiềm năng kinh tế lớn, mang lại lợi nhuận cao song cần phải biết áp dụng triệt để các biện pháp khoa học kĩ thuật, quy mô phải lớn theo hướng thâm canh tăng năng suất và phải biết tìm đầu ra cho sản phẩm, nói trung phải mang tính chuyên nghiệp. Đó là chuyện của năm ngoái, thời điểm mà giá cam ở mức 5 - 6 ngàn đồng/kg. Tết vừa rồi cam bán đắt như tôm tươi, kịch giá lên tới 17000đ/1kg tại vườn thì chuyện của người trồng cam lại khác, gặp nhau là cười, họ hồ hởi và ước mong vụ sau lại được giá.

Là người trong cuộc tôi thiết nghĩ, đã đến lúc cần phải tìm một hướng đi cho cam Trung Hà nói riêng và cam Chiêm Hóa nói chung. Hướng đi ấy trước hết cần có một cái bắt tay của cả ba nhà “nhà vườn, nhà doanh nghiệp và nhà nước”. Sản suất mang tính bền vững, mở rộng quy mô sản suất, thâm canh áp dụng triệt để các biện pháp khoa học kĩ thuật, tăng năng suất, bình ổn giá cả phải được chú trọng đặt lên hàng đầu có như vậy mới kích thích được tiềm năng kinh tế của địa phương, đưa cây cam vào mặt hàng chiến lược tạo công ăn việc làm giúp bà con nông dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Để thực hiện điều đó nên chăng chúng ta coi trồng cam cũng như trồng rừng nhằm phủ xanh đất đai hoang hóa, thay thế rừng kém chất lượng. Quy hoạch lại bản đồ quỹ đất nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương mà vẫn đảm bảo quỹ đất rừng, chất lượng rừng, môi trường sinh thái. Một liên hệ gần gũi là chuyện trồng cam của những người “hàng xóm” của chúng ta là huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) và tỉnh Hà Giang . Tháng 12/2007 thương hiệu Cam Hàm Yên chính thức được công nhận, theo năm tháng cam Hàm Yên đã vươn xa tới các chợ Đồng Xuân, Long Biên, Bắc Qua của Hà Nội, chợ Rồng của Nam Định và giờ đây đã hiện diện trong hệ thống bán hàng của các siêu thị lớn như Big C, Metro.

Xét về chất lượng cam Chiêm Hóa không hề thua kém bất cứ vùng cam nào trên cả nước thậm trí có phần nổi trội do được thiên nhiên ban tặng cho một điều kiện rất lí tưởng. Không chỉ riêng tôi hay những người trồng cam Chiêm Hóa mà tôi cho rằng tất cả những người con bên dòng sông Gâm xanh vẫn tự hào về đàn tính, hát then, hát cọi đều tha thiết ngóng đợi và ước ao để tự hào về một thương hiệu Cam sành Chiêm Hóa.

Vũ Văn Hợp (Trường Tiểu học Trung Hà)

Tin cùng chuyên mục