Kim Bình khắc ghi hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Vẫn khung cảnh núi rừng điệp trùng của một vùng chiến khu cách mạng, vẫn mái nhà tranh đã từng chở che, nuôi dấu những cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến, chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2 năm 1951). Nhưng trong những ngày này, lòng dân Kim Bình không khỏi bồi hồi, xúc động trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người đã có thời gian gắn bó với mảnh đất này và cũng tại nơi đây, Đại tướng đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

 Bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đại biểu dự Đại hội II của Đảng tại Kim Bình

Cùng với các địa danh như Tân Trào, Kim Quan, địa danh Kim Bình - Chiêm Hóa đã đi vào lịch sử cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đây là nơi đã được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Đại hội đầu tiên của Đảng ta được tổ chức ở trong nước và cũng là Đại hội duy nhất của Đảng được tổ chức ở một địa danh ngoài Thủ đô Hà Nội. Đại hội là mốc son chói lọi, đánh dấu sự trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam sau 21 năm được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Với những cán bộ lão thành cách mạng, những nhân chứng lịch sử đã từng tham dự và phục vụ Đại hội, Kim Bình luôn là một phần trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mỗi người, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Các cựu chiến binh ở xã Kim Bình xem ảnh tư liệu về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại hội II của Đảng

Đối với nhiều người dân Kim Bình, dù chưa một lần được gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng danh tiếng và tài đức của Đại tướng đã thấm sâu vào trong suy nghĩ của mỗi người, từ cụ già đến em nhỏ. Ai cũng biết rõ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có công lao to lớn trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, chống Pháp và chống Mỹ, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Bởi vậy, khi nghe tin Đại tướng từ trần, mọi người đều có chung niềm xúc động, nghẹn ngào. Với cựu chiến binh Lương Văn Lực và những người đồng chí, đồng đội của ông ở quê hương Kim Bình, dù trong chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc, bảo vệ Tổ quốc hay trong hòa bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một người Anh Cả, biểu tượng tinh thần “Bách chiến, bách thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Lực cũng như bất cứ người lính nào cũng luôn hướng về Đại tướng, ngưỡng mộ tài năng và đức độ của Người. Trong suốt thời gian tham gia chiến đấu ở Đoàn xe 32B, phục vụ kháng chiến, từ tháng 3/1968 đến tháng 12/1974, những câu chuyện cảm động về tình cảm của Đại tướng dành cho chiến sĩ được lưu truyền trong đơn vị, trở thành nguồn lực tinh thần, thôi thúc ông và đồng đội vượt qua mọi hiểm nguy, gian khó. Hôm nay, Đại tướng không còn nữa, nhưng trong trái tim ông mãi khắc ghi hình ảnh của vị tướng huyền thoại, với tất cả niềm kính trọng, tự hào.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người đã gắn bó, cống hiến và để lại những dấu ấn rất đậm nét, xuyên suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam không còn nữa. Nhưng hình ảnh và dấu chân Đại tướng mãi còn in đậm nơi núi rừng Kim Bình và nhân cách của Người như càng có sức lan tỏa lớn hơn, sâu rộng hơn trong lòng mỗi người dân vùng chiến khu cách mạng.

Hải Hà - Văn Tùng

Tin cùng chuyên mục