Đảng bộ Chiêm Hóa lãnh đạo phát triển nông nghiệp hàng hóa

Thực hiện Nghị quyết 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025, Đảng bộ huyện Chiêm Hóa đã chỉ đạo các địa phương lựa chọn được những cây trồng, vật nuôi chủ lực, có ưu thế để tập trung phát triển gắn với việc xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Lãnh đạo huyện Chiêm Hóa khảo sát mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất mía nguyên liệu
ở xã Tân Thịnh (tháng 3 năm 2017).

Ngay sau khi Nghị quyết 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành, Ban Thường vụ huyện ủy đã quán triệt, triển khai và xây dựng chương trình hành động của Đảng bộ huyện thực hiện Nghị quyết. Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành 11 văn bản để chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ cơ sở, các cơ quan chuyên môn và UBND các xã thị trấn để triển khai thực hiện Nghị quyết 16 về phát triển nông nghiệp hàng hóa. Trong đó, huyện chú trọng chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể phát triển những cây trồng vật nuôi chủ lực có thế mạnh như lạc, mía, cam, chuối tây, gỗ nguyên liệu, con trâu, cá đặc sản… Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết, hầu hết đảng bộ các xã, thị trấn đã lựa chọn cho mình những sản phẩm nông sản hàng hóa có ưu thế để tập trung chỉ đạo phát triển.

Lạc là sản phẩm nông nghiệp hàng hóa được hình thành sớm ở huyện. Vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chỉ đạo chính quyền, các cơ quan chuyên môn của huyện triển khai phương án sản xuất lạc giống L14 (cấp nguyên chủng) để nhân rộng trong sản xuất; xây dựng Đề án phát triển vùng lạc hàng hóa tập trung trong giai đoạn 2017-2020. Huyện triển khai kế hoạch sản xuất lạc giống vụ đông 2017 với quy mô trên 50 ha, từng bước tái cơ cấu về thời vụ, hình thành vùng trồng lạc giống vụ đông, cung cấp giống tốt phục vụ cho sản xuất và tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất, nâng cao giá trị nhãn hiệu tập thể “Lạc Chiêm Hóa”. Hiện nay, toàn huyện có trên 2.600 ha lạc, sản lượng hàng năm trên 8.500 tấn; giá trị sản xuất đạt trên 150 tỷ đồng. Các vùng trồng lạc tập trung lớn ở các xã Phúc Sơn, Minh Quang, Tân Mỹ, Hùng Mỹ, Xuân Quang.

Huyện quan tâm, khuyến khích đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và nâng cao giá trị. Trước khi có Nghị quyết số 16 của tỉnh, Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXI về lãnh đạo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững (giai đoạn 2015-2020). Mục tiêu mà huyện đặt ra là đến năm 2020 giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt trên 668 tỷ đồng, tăng trên 161 tỷ so với năm 2015. Tổng đàn gia súc trên 201.000 con, trong đó đàn trâu, bò trên 32.000 con; đàn lợn trên 168.800 con; đàn gia cầm trên 1,5 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại trên 19.000 tấn. Giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt trên 53,5 tỷ đồng, sản lượng cá đạt trên 1.400 tấn.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện có trên 30 nghìn con trâu, đàn bò trên 1.000 con, đàn lợn gần 137 nghìn con, diện tích nuôi thả cá trên 696 ha. Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ đàn gia súc, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn trong chăn nuôi cho bà con nông dân như Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh; các chương trình hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ngân hàng Vietinbank. Đặc biệt, năm 2015, huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Trâu Chiêm Hóa Tuyên Quang cho 228 hộ nông dân trên địa bàn. 

Đồng chí Nông Thị Hồng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Kiên Đài cho biết: Để mở hướng thoát nghèo cho nhân dân, Đảng bộ xã đang đẩy mạnh chủ trương khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa. Trước mắt, ngoài việc giao chỉ tiêu phát triển đàn trâu tới các chi bộ thôn, Đảng bộ còn chỉ đạo các chi bộ phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên nông thôn, mạnh dạn xây dựng những mô hình kinh tế theo hướng gia trại. Trên địa bàn xã có trên 20 hộ phát triển nuôi trâu quy mô lớn từ 15 con đến 40 con.

Nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã lựa chọn những hướng đi mới để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất trong phát triển nông nghiệp hàng hóa như: Sản xuất lúa chất lượng cao tại Hòa Phú, Yên Nguyên; mô hình cánh đồng lớn sản xuất mía nguyên liệu ở xã Tân Thịnh, trồng cam tại các xã Hà Lang, Trung Hà; khôi phục, chọn lọc đàn Vịt Bầu ở xã Hùng Mỹ, Yên Lập… 

Thực hiện Nghị quyết 16 đã và đang làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân Chiêm Hóa, phát huy được tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục