Trung Hòa: Xã khang trang, dân sung túc

Xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) nằm ven sông Gâm, đất đai màu mỡ, tươi tốt thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Nhiều năm trước đây, Trung Hòa cũng như nhiều xã khó khăn khác của huyện, hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông liên thôn, nhà văn hóa, trạm y tế, trường học còn thiếu và không đồng bộ... nay Trung Hòa đã từng ngày đổi mới, cuộc sống người dân thêm sung túc.

Để xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, xã đã thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”; “dễ làm trước, khó làm sau”. Bên cạnh sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của trung ương, của tỉnh và huyện, Trung Hòa đã khai thác hiệu quả nguồn lực trong nhân dân, tạo sự đồng thuận cao và phát huy tinh thần dân chủ trong quá trình triển khai chương trình.
Trong 19 tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới, tiêu chí giao thông được xã xác định có ý nghĩa quan trọng và ưu tiên thực hiện. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên sau hơn 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới xã Trung Hòa đã huy động được hàng nghìn ngày công và gần 300 triệu đồng của người dân đóng góp làm đường, với tổng chiều dài đường bê tông toàn xã trên 22 km. Đến nay 100% tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Lớp mẫu giáo 5 tuổi Trường Mầm non Trung Hòa.

Nâng cao thu nhập cho người dân chính là mục tiêu mà chương trình xây dựng nông thôn mới của xã hướng tới. Xã có chủ trương khuyến khích các hộ dân phát triển các mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi có quy mô lớn. Hiện xã có 7 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, gồm: 4 mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi, 2 mô hình trồng cây ăn quả, 1 mô hình chăn nuôi gà có quy mô trên 1.000 con.

Trung Hòa cũng là một trong những địa phương có diện tích đất trồng lúa ít của Chiêm Hóa, phần lớn diện tích đất nông nghiệp của xã là đất soi bãi: xã khuyến khích người dân trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày như mía, lạc và một số loại rau màu cung cấp cho thị trường.  Đến nay toàn xã đã có gần 200 ha mía nguyên liệu, với 9/11 thôn bản có diện tích trồng mía. Trong vụ mía năm 2013 toàn xã đã thu trên 10.000 tấn mía, doanh thu đạt gần 10 tỷ đồng, đây là nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân nơi đây.

Không chỉ trồng trọt, chăn nuôi mà các ngành nghề khác như tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ cũng đang được phát triển ở địa phương. Hiện toàn xã có 316 hộ dân chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ; ngoài ra, nghề đan cót xuất khẩu cũng đang góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều nông dân lúc nông nhàn. Tính đến hết năm 2013, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 14 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 3,8%, số hộ khá, giàu chiếm trên 60%.

Có thể nói chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo cho Trung Hòa một diện mạo mới, không chỉ khang trang về cơ sở hạ tầng mà đời sống kinh tế của nhân dân cũng không ngừng được cải thiện, nâng cao. Đây chính là những cơ sở vững chắc để Trung Hòa vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục