Về Kiên Đài nơi chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng

Những ngày tháng 5 lịch sử, trên khắp cả nước đang diễn ra những sự kiện kỷ niệm ngày sinh của Bác. Chúng tôi về xã ATK (an toàn khu) Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng lựa chọn là điểm dừng chân để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2 năm 1951) được tổ chức ở xã Kim Bình huyện Chiêm Hóa - Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước.

Kiên Đài là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Chiêm Hóa, có địa hình hết sức hiểm trở, 2/3 diện tích của xã là đồi núi cao, có độ dốc lớn trên 40 độ, đường đi lại khó khăn, chủ yếu là đường mòn, xung quanh là núi rừng bao bọc. Dù địa hình không thuận lợi cho phát triển kinh tế, nhưng xã có một vị trí chiến lược, quan trọng thuận lợi cho việc xây dựng khu căn cứ cách mạng, căn cứ kháng chiến, đảm bảo an toàn, bí mật. Nhân dân Kiên Đài có truyền thống yêu nước, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, do vậy, Kiên Đài được chọn làm nơi ở và làm việc của các lãnh tụ và nhiều cơ quan Trung ương trong giai đoạn từ 1948 – 1952. Thôn Khuôn Mạ - nơi Bác Hồ ở và làm việc từ tháng 1 đến tháng 2 năm 1951 để chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng nay đã đổi mới rất nhiều. Đường làng ngõ xóm đang được bê tông hóa đến từng nhà. Ông Lương Văn Thiện, trưởng thôn Khuôn Mạ tự hào kể : Tháng 1 năm 1951, Bác đến ở và làm việc tại thôn Khuôn Mạ. Ngôi nhà ở và làm việc của Bác là một ngôi nhà sàn có diện tích 9 m2 và một nhà ở của các đồng chí cảnh vệ ở diện tích 40m2. Tại đây, Bác đã hoàn thiện Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng và chỉ đạo công tác chuẩn bị cho Đại hội…

Đến thăm gia đình cụ Nông Văn Cao, người dân quân du kích năm xưa đã từng tham gia bảo vệ nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại thôn Khuôn Mạ. Trong căn nhà gỗ đã nhuốm màu thời gian, cụ vẫn thường kể cho con cháu nghe những câu chuyện về Bác Hồ cũng là để nhắc nhở con cháu luôn biết phát huy truyền thống cách mạng, dựng xây quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp. Ở tuổi  83 nhưng không  ông còn khỏe mạnh và minh mẫn như trước. Sau một hồi chuyện trò, cụ bảo “tôi có một kỷ vật tôi coi đó là kho báu của mình, trước đây đã có rất nhiều nhà báo tới thăm nhưng tôi chưa mang ra, nhưng hôm nay ngoại lệ cháu phóng viên cũng là người Tày nên tôi sẽ cho xem” . Dứt lời cụ lên căn gác mang xuống 1 khẩu sung du kích, vì thời gian nên trở đã trở nên cũ kỹ. Dẫn chúng tôi đi thăm khu di tích nơi Bác Hồ đã từng ở và làm việc, cụ Cao bồi hồi: “Thời gian qua đi, nhưng những hình ảnh về ông Ké cách mạng vẫn còn mãi trong lòng những người dân nơi đây. Nó như là động lực, là niềm tin để mọi người cùng đoàn kết vượt qua khó khăn, chiến thắng đói nghèo.

 Cụ Nông Văn Cao, người dân quân du kích năm xưa đã từng tham gia bảo vệ nơi ở và làm việc của Bác Hồ

tại thôn Khuôn Mạ 

Ông Ma Văn Như, 70 tuổi, dân tộc Tày, thôn Nà Bó cũng nhớ lại: Trong kháng chiến, đời sống, vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sỹ hết sức phong phú, mối quan hệ khăng khít giữa cán bộ và nhân dân địa phương được thể hiện sâu sắc. Ấn tượng nhất Tết Nguyên Đán năm 1951, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao cùng với nhân dân ăn tết rất vui và ấm cúng. 

 Kiên Đài, nơi suốt những năm từ 1949 đến 1951, Bác Hồ, Bác Tôn, Tổng Bí thư Trường Chinh và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ cùng nhiều cơ quan, ban, ngành, đơn vị trung ương đã ở và làm việc để lãnh đạo kháng chiến và chuẩn bị cho Đại hội. Hiện đã xác định được 23 điểm di tích lịch sử quan trọng ở đây. Có thể kể trong số đó là hầm và lán ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Bác Tôn Đức Thắng ở thôn Khuôn Mạ (từ tháng 1 đến tháng 2-1951); Văn phòng Tổng Bí thư và nơi ở, làm việc của đồng chí Trường Chinh ở Khuôn Miềng (1950-1951); Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ, nhà ở và làm việc của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Bản Tai (1950-1951); nơi ở và làm việc của đồng chí Xuân Thủy, Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc ở thôn Nà Vả (1950-1951). Ở đây còn có di tích nhiều cơ quan như Ban Kinh tế Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương, Mặt trận Liên Việt, Ban Biên tập Báo Cứu Quốc, Nhà Xuất bản Sự Thật, Đoàn Cố vấn chính trị Trung Quốc, Bệnh viện Trung ương... Nhiều cơ quan ở đến năm 1952. Tại Bản Tai, ngày 3-2-1952, một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức.

 Xã Kiên Đài hiện có 735 hộ, với 3.209 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Tày, Dao sinh sống.... Những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây đã thực sự ấm no, hạnh phúc. Tất cả các thôn đều có đường ô tô đến trung tâm; ánh điện lưới quốc gia đã về đến tất cả các thôn, bản trong xã. Đặc biệt, được sự đầu tư của Nhà nước, xã Kiên Đài đã xây dựng xong trường Tiểu học chính và ba phân hiệu; trường THCS cũng đã hoàn thành rất khang trang. Trạm Y tế đã đạt chuẩn quốc gia và vừa được xây dựng hoàn chỉnh, thành cơ sở y tế xã thuộc diện to, đẹp nhất tỉnh với tổng vốn xây dựng, trang thiết bị của trạm hơn 3 tỉ đồng và mỗi năm xã được cấp hơn 33 triệu đồng tiền thuốc, bảo đảm chữa bệnh cho bà con…

Phát huy truyền thống xã anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bên cạnh việc duy tu, bảo vệ, chăm sóc các khu di tích, tuyên truyền truyền thống cho thế hệ trẻ. xã  Kiên Đài cũng phấn đấu đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 8,4 triệu đồng/người/năm; 90% số hộ dân được sử dụng nước sạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 20%./.                                                                                        

Ngọc Hiển

Tin cùng chuyên mục