Đoàn công tác huyện Chiêm Hóa thăm và học tập mô hình cây lạc đông tại huyện Diễn Châu, Nghệ An

Trong 2 ngày mùng 2 và 3/12, Đoàn công tác UBND huyện Chiêm Hóa do đồng chí Ma Văn Long, Uỷ viên BTV Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa làm trưởng đoàn đã có cuộc gặp gỡ, tham quan mô hình sản xuất cây lạc thu đông tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Đoàn công tác UBND huyện Chiêm Hóa đã đến thăm mô hình trồng cây lạc đông tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu. Đây cũng là thời điểm bà con nông dân ở xã Diễn Thịnh đang tập trung thu hoạch cây lạc vụ đông. Là một trong 4 xã thí điểm trồng cây lạc đông, hàng năm xã Diễn Thịnh gieo trồng trên 51 ha cây lạc đông. Ngay khi mô hình được triển khai, nhờ gieo trồng đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo mật độ, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đúng lúc, đúng cách nên cây lạc vụ đông ở huyện Diễn Châu đã đem lại hiệu quả, năng suất bình quân đạt từ 22 - 24 tạ/ ha. Kết quả trồng lạc thu đông ở Diễn Thịnh rất khả quan: Củ để làm giống và hàng hóa, cây và lá làm thức ăn tươi cho trâu bò rất tốt, vỏ lạc dùng làm chất đốt hoặc phơi khô trộn với ngô làm thức ăn cho lợn. Trong quá trình tham quan thực tế tại các cánh đồng lạc đông ở xã Diễn Thịnh, đoàn công tác huyện Chiêm Hóa đã được gặp gỡ với bà con nông dân, trực tiếp trao đổi với lãnh đạo xã Diễn Thịnh và cán bộ ngành nông nghiệp huyện Diễn Châu về quy trình kỹ thuật làm đất, gieo trồng, bón phân, chăm sóc và cách phòng trừ sâu bệnh để cây lạc đông đạt được năng suất, sản lượng cao.

Đoàn công tác UBND huyện Chiêm Hóa  làm việc với huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Diễn Châu là huyện có vùng đất màu mỡ trải dài ở 12 xã ven biển và dọc quốc lộ 1A với hơn 3.500ha đất sản xuất phù hợp các cây trồng như lạc, vừng, dưa hấu đỏ, đậu xanh, ngô. Những năm qua, dựa trên điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng, huyện Diễn Châu đã phát triển cây lạc trở thành cây hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Riêng vụ xuân huyện Diễn Châu gieo trồng từ 3.200 đến 3.400ha cây lạc, với diện tích trồng lớn hàng năm bà con nông dân phải mua hơn 1.000 tấn giống, chi phí rất tốn kém. Khắc phục tình trạng trên, huyện Diễn Châu đã trồng khảo nghiệm cây lạc vụ đông để đảm bảo cung ứng giống cho sản xuất vụ xuân. Từ việc trồng khảo nghiệm, cho đến nay, bà con nông dân đã mở rộng diện tích trồng lạc đông mỗi vụ lên đến 500ha. Là một trong những huyện đi đầu và có thế mạnh về cây lạc, áp dụng khoa học công nghệ, các mô hình liên doanh, liên kết giữa hợp tác xã với người dân, người dân với doanh nghiệp.. đây là điều kiện rất quan trọng giúp đoàn công tác huyện Chiêm Hóa học tập kinh nghiệm, mở ra những hướng đi mới trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân ở một huyện miền núi như Chiêm Hóa.

Với diện tích trồng lạc trên 2.000ha, việc thăm quan, đánh giá  mô hình lạc thu đông tại huyện Diễn Châu sẽ góp phần nâng cao chất lượng và tái cơ cấu thời vụ đối với cây lạc ở huyện Chiêm Hóa, giúp ngành nông nghiệp huyện Chiêm Hóa có bước đi chặt chẽ hơn trong việc gắn kết, liên kết giữa bốn nhà; Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học và Nhà doanh nghiệp. Giúp các xã có diện tích lạc lớn như Phúc Sơn, Minh Quang học tập kinh nghiệm và mạnh dạn trong phát triển sản xuất lạc hàng hóa, đặc biệt là trồng và mở rộng diện tích cây lạc vụ thu đông trong những vụ tới.

Đoàn công tác huyện Chiêm Hóa tham quan mô hình sản xuất lạc vụ đông tại xã Diễn Thịnh huyện Diễn Châu.

Huyện Chiêm Hóa cũng đã có quy hoạch vùng sản xuất lạc hàng hóa, việc được đi thăm quan, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất cây lạc sẽ giúp các xã trong vùng quy hoạch nắm bắt thêm về cách thức, quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cây lạc, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới vào sản xuất, tiếp tục mở rộng diện tích trồng lạc, nâng cao giá trị sử dụng đất trên cùng diện tích./.

Văn Linh

Tin cùng chuyên mục