Ông Tăng làm kinh tế giỏi

Theo thống kê của UBND xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, hiện nay, nếu tính mức thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng/năm trở lên, xã có khoảng trên 150 hộ, số hộ có thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/năm chiếm tỉ lệ khá cao. Mỗi hộ gia đình ở nơi đây đều có những hướng đi riêng trong phát triển kinh tế gia đình, trong đó hộ gia đình ông Lê Văn Tăng, thôn Tân Bình là một trong những tấm gương điển hình, mỗi năm có nguồn thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng từ mô hình trồng sơn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm.

ông Lê Văn Tăng

Sinh năm 1958, quê gốc ở Ninh Bình, năm 17 tuổi, Lê Văn Tăng đã theo cha mẹ lên vùng đất Tân An, huyện Chiêm Hóa để lập nghiệp. Ban đầu, gia cảnh túng thiếu do thiếu đất sản xuất và thiếu kinh nghiệm phát triển kinh tế. Không cam chịu đói nghèo, đến năm 1993, gia đình ông Tăng cũng đã tìm tòi và lựa chọn hướng phát triển kinh tế theo mô hình trồng cây chè, kết hợp chăn nuôi. Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống sâu bệnh, dịch bệnh nên vườn chè và đàn gia súc, gia cầm của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Từ đây, đời sống vật chất và tinh thần của gia đình ông được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Năm 1998, tại đồi 733, thuộc xã Tân An do Lâm trường Chiêm Hóa (nay là Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Chiêm Hóa) quản lý đã đưa cây sơn vào trồng. Nhận thấy cây sơn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Tăng đã mạnh dạn phá bỏ đồi chè để trồng thử nghiệm 2.000 cây sơn. Sau hơn 2 năm đầu tư, chăm sóc, cây sơn đã sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, ông Tăng đã phát triển đồi sơn của gia đình lên hơn 4.000 cây. Thời gian qua, để thu hoạch được mủ sơn, ông đã phải thuê thêm nhân công, với mức 120.000 đồng/người/ngày. Bình quân mỗi ngày gia đình ông thu được hơn 5 kg mủ sơn, với giá bán trung bình hiện nay là 290.000 đồng/kg, thì ông đã thu về gần 1.500.000 đồng mỗi ngày. Theo ông Tăng, chu kỳ của cây sơn là 7 năm, trồng 2 năm có thể cho thu hoạch mủ, năng suất mủ đạt cao nhất từ năm thứ tư đến năm thứ bẩy, rồi chặt bỏ cây cũ để trồng cây mới. Cây sơn dễ trồng, không yêu cầu kỹ thuật canh tác cao như cây chè, đầu ra ổn định, giá cao, nhu cầu thị trường còn khá lớn. Khi cây sơn bắt đầu cho thu hoạch mủ, là thời điểm người trồng sơn rất bận rộn, từ 4 giờ sáng đến 10 giờ phải thực hiện các công việc như cắt vỏ cây sơn và gom mủ sơn…Từ việc trồng cây sơn lấy mủ, gia đình ông Tăng đã tạo việc làm có thu nhập cho một số lao động tại địa phương.

Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển 2 ha cây sơn, gia đình ông Tăng còn trồng hơn 5.000 m2 mía nguyên liệu cung cấp cho Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương, duy trì nuôi thả cá với tổng diện tích ao gần 7.000 m2, chăn nuôi trâu, lợn, gà và làm hơn 7.000 m2 lúa. Từ mô hình kinh tế này, mỗi năm mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng.

Dám nghĩ, dám làm và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thực sự mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình ông Lê Văn Tăng. Hiện nay, ông Tăng cũng như nhiều hộ gia đình nông dân ở xã Tân An, huyện Chiêm Hóa mong muốn các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và thu hoạch các loại nông sản và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định cho bà con nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển, xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Hiển - Quang Huy

Tin cùng chuyên mục