Giảm tỷ lệ hút thuốc trong cộng đồng

Nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành và nâng cao ý thức của cộng đồng trong phòng chống tác hại của thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chọn ngày 31-5 hàng năm là ngày Thế giới không thuốc lá. Tại nước ta, tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ 25-5 đến 31-5 tiếp tục được duy trì nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc trong cộng đồng và nỗ lực thực hiện các biện pháp để kiểm soát thuốc lá.

Thực hiện văn bản số 474/KCB-QLHN của Bộ Y tế, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 2015/UBND-THVX chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá; tác hại của thuốc lá với người sử dụng và những người bị ảnh hưởng bởi khói thuốc, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha... Cùng với đó, nỗ lực xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa.

Nhiều mô hình phòng chống tác hại của thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị, trường học đã được triển khai trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến như mô hình “Trường học không khói thuốc” góp phần xây dựng trường học xanh, sạch, ngăn chặn tình trạng học sinh sớm tiếp cận với thuốc lá. Mô hình xây dựng “Bệnh viện không khói thuốc lá” được triển khai 100% tại các bệnh viện giúp nâng cao nhận thức trong việc thực hiện không hút thuốc nơi công cộng, nơi làm việc. Các hoạt động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá lồng ghép với hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lắp đặt biển hiệu, treo băng rôn, áp phích tuyên truyền, phát động “Ngày không khói thuốc” trong đoàn viên, thanh niên tiếp tục được duy trì...

Anh Lê Ngọc Hải, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) cho biết, trước đây khi thấy những quảng cáo hấp dẫn về thuốc lá điện tử tràn lan trên mạng xã hội như dễ hút, có mùi thơm và vì tò mò nên anh đã mua dùng thử với giá 300 nghìn đồng. Tuy nhiên sau lần dùng thử đầu tiên anh thấy đau nhức đầu, mệt mỏi nên đã dừng ngay. Khi tìm đọc thêm thông tin về các loại thuốc lá điện tử, anh mới hiểu thêm được những loại dung dịch sử dụng trong thuốc lá điện tử vô cùng độc hại, độc hại hơn rất nhiều lần thuốc lá thông thường.

Cùng với việc tuyên truyền đến công chức, viên chức làm việc tại công sở, người dân trong cộng đồng, các em học sinh cũng là đối tượng truyền thông cần chú trọng. Cô giáo Đàm Bích Ngọc, Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Văn Huyên cho biết, các em học sinh ở tuổi mới lớn có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, muốn thể hiện mình nên dễ bị lôi kéo, rủ rê tập hút thuốc. Để giúp các em hiểu được tác hại của thuốc lá, hàng năm nhà trường đã tổ chức sinh hoạt ngoại khóa dưới nhiều hình thức như sân khấu hóa, nói chuyện tuyên truyền... Các hoạt động đã trở thành nền nếp, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên và các em học sinh tham gia.

Hàng năm, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Sở Y tế cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá và việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Theo đó, tập trung vào việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá với sức khỏe như làm giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới, tăng nguy cơ mắc các bệnh tử cung ở nữ giới, trẻ em dễ bị còi xương, chậm phát triển. Thuốc lá cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều bệnh như đột qụy, ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, lao, bệnh mạch vành...  

Mặc dù các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá, giảm tỷ lệ người hút thuốc trong cộng đồng đã được triển khai sâu rộng nhưng Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao trên thế giới. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá còn nhiều hạn chế như khó kiểm tra, xử phạt, tình trạng bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi vẫn diễn ra, các loại thuốc lá thế hệ mới được bày bán tràn lan và dễ tiếp cận với giới trẻ...

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục