Lửa then cháy mãi

Với mỗi người dân huyện Chiêm Hóa, những làn điệu then, cọi đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu. Then, cọi xuất hiện trong cuộc sống sinh hoạt của người Tày xa xưa, gắn liền với từng giai đoạn lịch sử phát triển và xuyên suốt đến tận ngày nay. Nhiều người bảo then, cọi giống như ngọn lửa trong bếp nhà sàn của họ sẽ còn cháy mãi...

Những người tâm huyết

Nói đến những người hát then, đánh đàn tính giỏi của huyện Chiêm Hóa, không thể không nhắc đến nghệ nhân Hà Thuấn ở xã Tân An-người đã gắn bó cả cuộc đời với then, cọi quê hương. Ông Thuấn kể: “Năm 18 tuổi, ông đã theo cha đi hát then ở các vùng lân cận. Những làn điệu then và cách đánh đàn tính ông được cha truyền dạy một cách thuần thục. Nên chẳng bao lâu, ông đã có thể tự đi hát riêng. Có lần ông sang cả Bắc Kạn, Cao Bằng để giao lưu hát then. Những làn điệu then, cọi cổ của địa phương được vươn rộng khắp đất nước. Những bài hát do ông đặt lời đã mang hơi thở mới khi phản ánh một cách sinh động cuộc sống của người dân vùng cao. Ca từ đã thể hiện sự đổi thay của quê hương đất nước, tình cảm của người dân với Bác Hồ, hiện tình yêu đôi lứa, lời dăn dạy của cha mẹ đối với con cái trước khi lập gia đình”. Ông có nhiều bài tiêu biểu như “Ơn Đảng ơn Bác Hồ”, “Chiêm Hóa quê em”, “Bản em đổi mới”...



Nghệ nhân Hà Thuấn và các thành viên trong gia đình làm đàn tính.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, lòng nhiệt huyết đối với then, cọi của ông Thuấn vẫn không vơi đi chút nào. Nó ngày càng được vun bồi đầy ắp và mang nặng những trăn trở theo từng giai đoạn. Trò chuyện với tôi, ông Thuấn kể, có đợt ông buồn vì một bộ phận không nhỏ giới trẻ chẳng mặn mà gì với hát then, suốt ngày chúng mở nhạc trẻ thị trường kêu gào ầm ĩ. “Ấy thế mà bây giờ vui lắm cậu ạ! Sau nhiều đợt tuyên truyền, bọn trẻ đã dần hiểu ra là phải giữ gìn nét văn hóa truyền thống, là hòa nhập chứ không hòa tan, phải giữ được hồn cốt của dân tộc. Vừa tuyên truyền, vừa đứng ra tổ chức truyền dạy cho chúng nó. Giờ nhiều đứa trẻ đã biết hát then, đánh đàn tính rồi” - ông Thuấn kể. Cứ cần mẫn và truyền đạt cho lớp trẻ theo kiểu mưa dầm thấm lâu như vậy, ông Thuấn không nhớ đã giúp bao nhiêu người tìm lại với nguồn cội dân tộc mình. Chỉ biết rằng tiếng hát then, đàn tính ngày càng vang xa, từ các bản làng đi khắp nơi.

Cùng chung niềm đam mê với ông Thuấn còn có ông Ma Thái Ngọc ở thôn Thắm, xã Hùng Mỹ. Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Ngọc vẫn chăm chỉ làm đàn tính và say mê hát then. Ông Ngọc cho biết : “Hát then là nghi thức không thể thiếu của người Tày xã Hùng Mỹ mỗi khi tổ chức cưới xin hay ma chay. Đối với mỗi dịp như thế, làn điệu then lại được đặt lời và mang ý nghĩa khác nhau. Nhưng đa phần nội dung hát then là răn dạy con người biết sống ngay thẳng, biết cách ứng nhân xử thế. Hát then còn là thể hiện lời căn dặn của cha mẹ đối với con cái, của vợ đối với chồng...Càng qua nhiều giai đoạn thì những làn điệu then càng phong phú hơn...”. Tâm huyết với then, cọi, ông Ngọc đã truyền dạy cho con cháu và những người đam mê làn điệu này. Đến nay, trong xã của ông cũng có trên chục người được ông truyền dạy, có thể đánh đàn tính, hát then được. 

Ngoài ông Thuấn, ông Ngọc, ở huyện Chiêm Hóa còn nhiều người tâm huyết và khá am hiểu về then, cọi như ông Hoàng Tiến Các ở xã Yên Nguyên, ông Hà Ngọc Cao ở xã Xuân Quang, ông Nguyễn Đình Bảng ở xã Ngọc Hội, ông Ma Văn Kiệm ở xã Trung Hà... Họ chính là những người đã có công trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của then, cọi.

Tiếp lửa
 


Nghệ nhân Hà Thuấn xã Tân An (Chiêm Hóa) dạy hát then.

Chiêm Hóa có 18 dân tộc anh em cùng chung sống và đều giàu truyền thống văn hóa. Nhưng đậm nét hơn cả là những làn điệu then, cọi của dân tộc Tày. Tuy nhiên, trước thực trạng then, cọi bị mai một dần do những người am hiểu sâu rộng về then, cọi đã tuổi cao sức yếu, nhiều người đã mất, nên trong những năm qua, huyện Chiêm Hóa đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị của then, cọi, vừa để không làm mất đi những nét văn hóa tinh túy, đồng thời phát triển thành một thế mạnh của ngành du lịch. UBND huyện đã tổ chức hội thảo khoa học nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của then, cọi dân tộc Tày trên địa bàn huyện; mời những người có kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy cho thế hệ trẻ; thực hiện Đề án xây dựng Làng văn hóa du lịch gắn với bảo tồn các làn điệu hát then ở xã Tân An - cái nôi then, cọi ở Chiêm Hóa.

Đến xã Tân An bây giờ, khách du lịch có thể tham quan những ngôi nhà sàn độc đáo của người Tày, cùng đắm mình vào không gian then, cọi. Tiếng đàn tính lúc trầm, lúc bổng hòa quyện vào giọng hát khi da diết nhớ thương... dễ đi vào lòng người. Anh Nguyễn Mạnh Tiến ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã Hội Việt Nam đến du lịch ở xã Tân An và tìm hiểu về nghệ thuật diễn xướng then Tày. Anh cho biết: “Nét đặc sắc của then Tày ở Chiêm Hóa chính là những câu từ rất gần gũi. Mỗi bài hát bao giờ cũng bắt đầu từ “ới la...” rất thú vị. Thêm nữa, cây đàn tính ở Chiêm Hóa cũng khác với đàn tính của người Tày Cao Bằng do gắn với câu chuyện độc đáo và hấp dẫn. Có lẽ ai đến đây cũng sẽ phải quay trở lại bởi không gian văn hóa rất đáng để tìm hiểu...”.

Để phục vụ khách du lịch đến tham quan, xã Tân An đã bố trí những ngôi nhà sàn rộng, có không gian thoáng để tiếp khách. Khách du lịch có thể tham quan, nếu thích có thể đăng ký học hát then, cọi ngay tại xã. Ông Đinh Ngọc Yên, Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết: “Hiện nay phong trào học và hát then, cọi tại xã Tân An rất phát triển. Số lượng người biết hát then, cọi mỗi năm tăng từ 10 - 15 người. Xã đang tiến hành quy hoạch một số diện tích đất để trồng loài cây bầu làm đàn tính, phục vụ hát then và khách du lịch tham quan mua sắm. Hiện đã có một số hộ đăng ký trồng giống bầu này để nhân rộng”.

Không chỉ chú trọng đến việc phát triển then, cọi, UBND huyện Chiêm Hóa đã có hẳn chiến lược lưu giữ và bảo tồn then, cọi. Tiêu biểu nhất phải kể đến đề tài nghiên cứu khoa học về Thực trạng hoạt động và duy trì làn điệu hát then, cọi dân tộc Tày ở huyện Chiêm Hóa do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện làm Chủ nhiệm. Đề tài đã đề cập đến việc tìm hiểu gốc tích then, cọi, sưu tầm những bài hát cổ, tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ... góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Chiêm Hóa có 1 nghệ nhân và trên 150 người am hiểu về then, cọi dân tộc Tày. Bà Đỗ Hoa Quyên, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Năm 2013, huyện đã tổ chức được hàng chục lớp truyền dạy hát then, cọi tại một số xã trên địa bàn huyện. Huyện thành lập được 8 câu lạc bộ hát then tại 5 xã là Tân An, Yên Nguyên, Kim Bình, Trung Hà và Tân Mỹ với hàng trăm thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên, nâng tổng số lên 44 câu lạc bộ với 670 thành viên. Nhiều thành viên câu lạc bộ đã trở thành những ca sỹ hát then, cọi nổi tiếng cả nước. Thời gian tới, Phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện tổ chức thêm các lớp dạy hát then, phấn đấu đến hết năm 2015 có trên 70% số xã thành lập được câu lạc bộ hát then, đàn tính. Bên cạnh đó, các trường học cũng thành lập câu lạc bộ hát then, đàn tính, đưa hát then vào một trong những môn học ngoại khóa tại trường học để bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình văn hóa độc đáo này”.

Cuối năm 2012, Nghi lễ then dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã có sự đóng góp không nhỏ của hát then ở Chiêm Hóa. PGS. TS Nguyễn Ngọc Thanh, Viện phó Viện Dân tộc học Việt Nam đã nhận xét: “Hiện nay những người am hiểu sâu sắc về then, cọi dân tộc Tày như ông Thuấn, ông Ngọc trên địa bàn huyện Chiêm Hóa rất hiếm. Chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Các ông chính là một “kho tàng sống” về then, cọi cổ. Chính vì vậy, những nỗ lực của huyện Chiêm Hóa trong thời gian vừa qua sẽ giúp huyện giữ được nét truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, thông qua các lễ hội, các buổi liên hoan, then, cọi đang được sống dậy theo đúng nghĩa của nó.  

 

    

Theo baotuyenquang

Tin cùng chuyên mục