Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc tế giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030

Sáng 09/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc tế giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) do Bộ Công an phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức. Cùng dự, có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Chính phủ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Dự chủ trì tại điểm cầu huyện Chiêm Hoá có đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp huyện; các thành viên tổ công tác cấp huyện.

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là đề án nhằm cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, hiện đang được ứng dụng tương đối rộng rãi, phục vụ chức năng của bộ, ngành, chuyển đổi số, có tác động trực tiếp người dân. Việc hoàn thiện văn bản pháp luật, phương thức thực hiện, cải cách hành chính, giúp người dân hưởng lợi thông qua môi trường số.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Đề án 06 đã được triển khai từ Trung ương đến cơ sở, thu được những kết quả bước đầu tích cực; được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và hưởng ứng tích cực, qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cũng như phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì 14 phiên họp với các bộ ngành chỉ đạo các nội dung Đề án 06; đã ban hành 1 Chỉ thị, 1 Công điện, 7 Thông báo với 49 nhóm nhiệm vụ giải pháp thực hiện. Đến nay, 23/23 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố, 705 cấp huyện và 10.599 cấp xã đã xây dựng kế hoạch, thành lập Tổ công tác triển khai Đề án 06. Đề án 06 xác định 5 nhóm tiện ích lớn, trong đó có có 13 nhóm nhiệm vụ chung, 89 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành Trung ương; 13 nhóm nhiệm vụ chung và 8 nhiệm vụ cụ thể của các địa phương. Đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 21/89 nhiệm vụ; các địa phương hoàn thành 4/13 nhiệm vụ và 1/8 nhiệm vụ cụ thể. Về thực hiện các dịch vụ công thiết yếu: đã cơ bản đã hoàn thành, đưa 21/25 dịch vụ thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, đạt kết quả tích cực. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã mang lại nhiều tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Các đại biểu dự tại Điểm cầu huyện Chiêm Hóa.

Điểm nổi bật là, Bộ Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công mức độ 3, 4; đồng thời, mở rộng thực hiện 187/227 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng Công an nhân dân, trong đó việc cấp hộ chiếu qua mạng, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã được người dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh (đạt tỷ lệ 93,1%)... thực hiện kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động để xác thực dữ liệu người dùng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng sim rác. Công tác cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay đã cấp trên 67 triệu thẻ cho công dân. Việc triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước gắn chíp điện tử đạt kết quả bước đầu tích cực như: Sử dụng thẻ căn cước tích hợp thông tin thẻ Bảo hiểm xã hội phục vụ người dân đi khám bệnh tại các cơ sở y tế (53,1% cơ sở y tế đã thực hiện); thí điểm xác thực danh tính qua thẻ căn cước công dân tại các quầy giao dịch của 5 ngân hàng (BIDV, Viettinbank, Vietcombank, Agribank và Pvcombank); thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân thay thẻ ATM tại TP Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh...

Theo lộ trình Đề án 06: tính đến ngày 31/7/2022, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức đối với một số Cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Y tế; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Chính phủ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp); 4 doanh nghiệp nhà nước (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Viettel, Vinaphone, Mobifone) và 14 địa phương (TP Hà Nội, Yên Bái, Lai Châu, Ninh Bình, Lào Cai, Cao Bằng, Nghệ An, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Hải Dương và Hà Tĩnh).

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau 6 tháng triển khai Đề án 06 đã tạo được kết quả tích cực; việc triển khai Đề án là hoàn toàn đúng đắn, mang lại những kết quả rất cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành và hoạt động kinh tế, xã hội của người dân, doanh nghiệp; qua đó đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, quản trị thông minh, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các cấp, các ngành; vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, sự quyết liệt, sâu sát của các Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Công an; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp…

Thủ tướng nhấn mạnh, việc triển khai chuyển đổi số nói chung, trong đó có Đề án 06 là một nhiệm vụ quan trọng. Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, chúng ta cần rút những kinh nghiệm quý, bài học hay, khắc phục tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc để triển khai thành công Đề án, các bộ, ngành cần quan tâm một số nội dung: Liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược vừa triển khai công việc trước mắt, vừa cả lâu dài. Phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị và của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để phát triển chuyển đổi số, trong đó có Đề án. Phát triển hệ sinh thái công dân số để người dân, doanh nghiệp hiểu, sử dụng, làm giàu thông tin và là một bộ phận không thể tách rời khỏi đời sống kinh tế, xã hội của người dân. Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả; có tính kết nối, liên thông, chia sẻ cao, không chỉ phục vụ phát triển Chính phủ số mà còn nền kinh tế số, xã hội số, công dân số văn minh, hiện đại ngang tầm vị thế quốc gia, phù hợp xu thế thời đại. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát việc triển khai. Khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân; triển khai một cách “nhân văn”, tạo đồng thuận trong xã hội, hợp lòng dân….

Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các dịch vụ công trên môi trường trực tuyến. Về ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ Căn cước gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử: đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các nền tảng, cơ sở dữ liệu trên, nhất là: thanh toán không dùng tiền mặt; xác thực tài khoản ngân hàng; cho vay tín chấp; tích hợp các thông tin trên thẻ căn cước và tài khoản định danh để thay thế các loại giấy tờ công dân... Phấn đấu đến cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ có khoảng 3-5 triệu người dân sử dụng VNEID, với tốc độ tăng ít nhất 5% mỗi tháng; cung cấp 8-10 tiện ích nghiệp vụ ngành công an như: tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng…; cung cấp 8-10 tiện ích cho người dân như: định danh, xác thực người dân, dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, di chuyển nội địa, dịch vụ tiện ích cho nhóm đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người có công, người dân tộc thiểu số…

Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, “không cát cứ, cục bộ”; rà soát, củng cố, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu hiện có, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án. Khẩn trương kết nối các dữ liệu tổng hợp dân cư về Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phục vụ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội. Bộ Công an nghiên cứu xây dựng Trung tâm điều phối dữ liệu dân cư, thông qua Trung tâm này, kết nối, làm sạch dữ liệu, tương tác, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương.

Bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Huy động mọi nguồn lực, tích cực khai thác nguồn lực hợp tác công tư; tăng cường hợp tác quốc tế. Các bộ, ngành, địa phương phát động phong trào thi đua thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06 trong những tháng cuối năm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm 2022; thành lập một số tổ công tác đi kiểm tra các địa phương thực hiện công việc này.

Huy Dương (Theo TQĐT)

Tin cùng chuyên mục