Chiêm Hóa triển khai thực hiện Dự án chọn lọc, khôi phục và phát triển đàn vịt bầu

Nhằm xây dựng các mô hình nuôi vịt bầu sinh sản, thương phẩm đảm bảo an toàn sinh học, bảo tồn được nguồn gen quý hiếm của giống vịt bầu, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nhân dân, huyện Chiêm Hóa đang triển khai thực hiện Dự án "Chọn lọc, khôi phục và phát triển đàn vịt bầu tại 3 xã Hùng Mỹ, Yên Lập và Kiên Đài".

Cán bộ Trạm Khuyến Nông huyện Chiêm Hóa hướng dẫn bà  con kỹ thuật làm đệm lót sinh học cho chuồng vịt. 

Vịt bầu là giống vịt nội được nuôi lâu đời ở các xã trên địa bàn huyện Chiêm Hóa từ những năm 1960 đến nay. Giống vịt bầu dễ nuôi, phàm ăn, sức chống chịu bệnh tốt hơn các loại vịt khác, có giá bán cao hơn các loại vịt khác đang chăn nuôi trên địa bàn, vịt lớn nhanh, thịt rất thơm, ngon, vị đậm đà, da mỏng, thịt dầy, chắc, tỷ lệ nạc cao. Trứng vịt bầu to, tỷ lệ lòng đỏ nhiều, ăn rất thơm ngậy, ngon hơn các loại trứng vịt đang được nuôi phổ thông trên địa bàn, được người tiêu dùng ở nhiều địa phương ưa chuộng. Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi vịt bầu trên địa bàn huyện còn theo quy mô gia đình, số lượng ít, chưa đầu tư nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, sản xuất hàng hóa. Do vậy, sản phẩm vịt giống, vịt thương phẩm sản xuất ra chủ yếu tiêu thụ tại địa phương, chưa đủ cung cấp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Bà con nhân dân cũng tự chọn lọc những con vịt của gia đình để nhân giống, chưa chú trọng quản lý tốt nguồn giống vịt bầu địa phương, còn nuôi lẫn giống vịt khác, phương pháp ấp nở trứng vịt chủ yếu bằng ấp nở thủ công, như vậy một số giống vịt bầu đã bị lai tạp, giảm chất lượng giống. Vì vậy, Dự án “Chọn lọc, khôi phục và phát triển đàn vịt bầu tại 3 xã Hùng Mỹ, Yên Lập và Kiên Đài" sẽ mở ra một hướng sản xuất mới trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi trên địa bàn, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Đàn vịt giống bố mẹ được tuyển chọn để nhân giống.

Dự án “Chọn lọc, khôi phục và phát triển đàn vịt bầu tại 3 xã Hùng Mỹ, Yên Lập và Kiên Đài” được thực hiện trong thời gian 2 năm, từ tháng 11/2016 đến tháng 10/2018 và được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiến hành thống kê, chọn lọc đàn vịt bầu địa phương tại 3 xã Hùng Mỹ, Yên Lập, Kiên Đài để chọn ra 216 con đạt tiêu chuẩn và nuôi sinh sản đẻ trứng, ấp nở bằng máy đa kỳ, nuôi úm vịt con đến 7 ngày tuổi chọn lọc lấy gần 3.600 con giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để nuôi trong mô hình nuôi vịt bầu thương phẩm. Giai đoạn 2 sẽ tiến hành nuôi gần 2000 con vịt bầu sinh sản tại công ty TNHH một thành viên Hà Đức và nuôi 2.400 con vịt bầu thương phẩm tại các hộ dân thuộc 3 xã Hùng Mỹ, Yên Lập và Kiên Đài. Trong quá trình thực hiện dự án sẽ ứng dụng công nghệ làm đệm lót chuồng sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học. Trong quá trình thực hiện dự án, đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật, các hộ dân tham gia thực hiện được tập huấn kỹ thuật làm chuồng, kỹ thuật nuôi vịt bầu đẻ trứng, vịt bầu thịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học, kỹ thuật phòng trị bệnh…Các hộ trực tiếp thực hiện dự án sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí mua giống vịt hoặc trứng, kinh phí mua vắc xin tiêm phòng, thuốc phun sát trùng, 50% kinh phí mua thức ăn chăn nuôi vịt, vịt sinh sản và vịt bố mẹ sinh sản, 50% kinh phí mua máy ấp trứng, máy phát điện, máy phun thuốc, khử trùng…Sau khi dự án kết thúc, sẽ tiếp tục tuyên truyền mở rộng quy mô chăn nuôi vịt trên địa bàn 3 xã Hùng Mỹ, Yên Lập, Kiên Đài và các xã trên địa bàn huyện, hình thành vùng phát triển chăn nuôi vịt sinh sản và nuôi vịt thương phẩm; đồng thời xây dựng thương hiệu "Vịt bầu Chiêm Hóa", xúc tiến thương mại, tổ chức quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định lâu dài đối với sản phẩm vịt bầu.

Dự án “Chọn lọc, khôi phục và phát triển đàn vịt bầu tại 3 xã Hùng Mỹ, Yên Lập và Kiên Đài” được thực hiện góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, tạo ra nguồn sản phẩm hàng hóa về thịt và trứng vịt có chất lượng tốt cung cấp cho thị trường. Phát triển được giống vịt bầu thuần chủng chất lượng tốt, tạo ra vùng chăn nuôi vịt có tính bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xóa bỏ dần tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán, tiến tới chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị kinh tế cho người dân trên địa bàn./.

Nguyễn Bình-Huy Dương

Tin cùng chuyên mục