Chiêm Hóa phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản

Quý I-2017, giá trị sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp của huyện Chiêm Hóa đạt 206 tỷ đồng, bằng 26,8% kế hoạch năm. Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2017, Chiêm Hóa đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Để thu hút đầu tư, huyện tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp An Thịnh; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh ổn định; có chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất, tiền thu từ đất để khuyến khích đầu tư theo quy hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế... Huyện chú trọng phát triển vùng nguyên liệu để cung cấp cho các nhà máy, công ty sản xuất, chế biến. Mục tiêu đến năm 2020 toàn huyện trồng mới trên 8.000 ha rừng; khuyến khích người dân, doanh nghiệp lựa chọn đưa cây giống mới có năng suất, chất lượng tốt vào trồng như keo nuôi cấy mô, mỡ, bồ đề...

Cơ sở chế biến gỗ của Công ty TNHH Sao Việt, tại Cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa).

Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm sản trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đang nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tại Cụm công nghiệp An Thịnh, Công ty cổ phần Thương mại - Sản xuất xuất khẩu Phúc Lâm đã xây dựng thêm 1 nhà xưởng 2 tầng có tổng diện tích mặt sàn là 1.600 m2với tổng kinh phí đầu tư 2 tỷ đồng và thuê thêm lao động làm việc đảm bảo kịp tiến độ các đơn đặt hàng. Ngoài ra, công ty tổ chức thi đua lao động sản xuất, có hình thức khen thưởng, tuyên dương phù hợp đối với những tổ, nhóm, cán bộ, công nhân hoàn thành tốt công việc được giao, góp phần nâng cao năng suất lao động của nhà máy.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản, những năm trước đây, sản phẩm chính của nhà máy chế biến lâm sản thuộc Công ty TNHH Sơn Hải (Cụm công nghiệp An Thịnh) cung cấp ra thị trường chủ yếu là gỗ ván bóc và gỗ băm dăm cung cấp cho Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa. Nhưng trong thời gian gần đây, do thị trường trong nước và xuất khẩu tại một số nước trong khu vực giảm mạnh, đơn vị đã chủ động đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng mua máy móc, dây chuyền sản xuất viên đốt sinh học để phục vụ nhu cầu thị trường xuất khẩu của một số nước Đông Âu. Nguyên liệu sản xuất viên đốt sinh học chủ yếu được tận thu từ nguồn phế phẩm trong hoạt động sản xuất chế biến lâm sản đã phần nào giảm được chi phí giá thành sản phẩm, tăng doanh thu, lợi nhuận trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. 

Hiện nay, huyện Chiêm Hóa đã thu hút thêm Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại phần lô B1 trong Quy hoạch chung Cụm công nghiệp An Thịnh, tổng diện tích là 29.437 m2. Các cơ quan chức năng của huyện đang tích cực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng, sản xuất.

Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp năm 2017 trên địa bàn huyện đạt 769 tỷ đồng, ngay từ đầu năm, huyện Chiêm Hóa đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoạt động trên địa bàn thúc đẩy sản xuất, phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, thu hút đầu tư công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Tính đến đầu tháng 4-2017, một số sản phẩm trên địa bàn đã đạt được kết quả đáng kể như đũa tách xuất khẩu đạt hơn 50 triệu đôi, đạt 19,5% kế hoạch; điện thương phẩm hơn 11.400 triệu kwh, đạt hơn 21,1% kế hoạch, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2016; điện sản xuất hơn 38,3 triệu kwh, bằng gần 20% kế hoạch năm; gạch không nung sản xuất được 4,5 triệu viên... 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục