Với chức năng là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, những năm qua Phòng Dân tộc huyện Chiêm Hóa đã kịp thời tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản quy định hướng dẫn thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.
Theo bà Ma Thị Nhung, Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: Phòng Dân tộc huyện đã tham mưu các Quyết định, Đề án, kế hoạch 5 năm và hàng năm, chương trình, dự án thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chương trình, dự án sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức đón tiếp, thăm hỏi, giải quyết các nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số theo chế độ chính sách và quy định của pháp luật; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chính sách, chương trình, dự án và các quy định của pháp luật.
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Dũng, lãnh đạo Phòng Dân tộc (ngoài cùng bên trái) kiểm tra mô hình chuỗi liên kết sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại xã Tân Mỹ. Ảnh Tư liệu.
Với gần 80% dân số là đồng bào DTTS nên việc đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc luôn được Chiêm Hóa quan tâm, chú trọng. Từ việc tham mưu kịp thời của Phòng Dân tộc, các dự án, chương trình, chính sách đầu tư hỗ trợ vùng DTTS huyện Chiêm Hóa đã mang lại hiệu quả. Trong đó, phải kể đến thực hiện chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, gồm có 10 Dự án và 14 Tiểu dự án. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Phòng Dân tộc huyện Chiêm Hóa luôn đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp nhân dân và người DTTS nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người dân tộc thiểu số, nhất là người người dân tộc thiểu số nghèo. Công khai kế hoạch, danh mục và vốn đầu tư của các Chương trình để nhân dân, cộng đồng biết và cùng chung tay thực hiện, đồng thời tự kiểm tra, giám sát; chủ động, tích cực, sáng tạo trong nhân dân, tạo động lực nhằm phát triển kinh tế xã hội. Đến nay, trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện 10 Dự án, của Chương trình với tổng vốn kế hoạch được UBND tỉnh giao: 378.329,5 triệu đồng; đã giải ngân: 202.287,4 triệu đồng, đạt 53,61% kế hoạch, trong đó năm 2022 đạt 83,7%, Năm 2023 đạt 75,94%; nguồn vốn năm 2024 đang triển khai đạt trên 20%. Hiện nay, các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã được thụ hưởng cụ thể từng Dự án, tiểu Dự án, các nội dung thuộc Chương trình.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Đình Tân; lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện kiểm tra các Dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại xã Linh Phú.
Tại xã Linh Phú, một trong những địa phương đặc biệt khó khăn của huyện, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, với nhiều công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng đã góp phần nâng cao đời sống, thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây. Tiêu biểu như công trình nhà lớp học và nhà ở cho học sinh bán trú tại Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Linh Phú. Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhà trường đã được đầu tư xây dựng 9 phòng học bộ môn và 14 phòng ở cho học sinh bán trú cùng nhiều thiết bị giảng dạy, dụng cụ phục sinh hoạt của học sinh. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp cho thầy và trò nhà trường có điều kiện dạy và học tốt hơn, đặc biệt đối với 365 em học sinh dân tộc thiểu số ở bán trú được học tập, sinh hoạt trong môi trường tốt nhất.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Thị Minh Quang trò chuyện cùng nhân dân dân tộc Dao, xã Trung Hà.
Cùng với đó, Phòng Dân tộc cũng đã thực hiện tốt các chính sách khác như: Chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; Chính sách hỗ trợ cho học sinh - sinh viên; phối hợp thực hiện tốt chính sách vay vốn ưu đãi đối với hộ đồng bào DTTS tại địa phương…thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện các chính sách khác do các cơ quan chuyên môn của huyện thực hiện như: Chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng; Chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo sinh sống tại vùng khó khăn; Chương trình xây dựng nông thôn mới…
Qua công tác tham mưu của Phòng Dân tộc về thực hiện các chương trình, dự án và các chính sách đầu tư hỗ trợ của nhà nước, cùng với sự vươn lên của đồng bào DTTS nên kinh tế - xã hội vùng DTTS của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, hộ nghèo toàn huyện còn 19,8%; trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS còn 22,8% theo chuẩn nghèo đa chiều./.
Gửi phản hồi