Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh

 

Toàn cảnh thị trấn Vĩnh Lộc

Chiêm Hóa là huyện có cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ với nhiều danh thắng đẹp như: Thác Bản Ba (xã Trung Hà), thác Lụa (xã Hòa Phú), ... là địa danh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa lâu đời của dân tộc: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, đền Đầm Hồng, đền Bách Thần... và là vùng đất có nhiều di sản văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: Nghi lễ Then, Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày; hát Páo dung, lễ cấp sắc của dân tộc Dao. Với nhiều lợi thế, huyện Chiêm hóa đang là điểm đến hấp dẫn du khách. Đến nay, huyện có 114 di tích, danh thắng được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh bao gồm: các di tích kiến trúc nghệ thuật; di tích Lịch sử cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ; di tích danh lam thắng cảnh; di tích khảo cổ, bảo vật quốc gia.

                                                                                                               * Lễ hội Lồng Tông

Lễ hội Lồng Tông

 

Lồng Tông theo Tiếng Tày nghĩa là xuống đồng. Lễ hội Lồng Tông là ngày hội văn hóa của nhân dân các dân tộc trong huyện được tổ chức vào ngày mùng Tám tháng Giêng hằng năm với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no. Lễ hội được diễn ra với 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ, là các nghi lễ cúng tế những sản vật dâng lên trời đất và các vị thần. Phần hội có ném còn và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian đã thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc và du khách thập phương đến du xuân.

 

 

 

* Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình

 

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình thuộc thôn Bó Củng, xã Kim Bình, cách trung tâm huyện lỵ 15km, là quần thể gồm 23 di tích ghi nhận các sự kiện lịch sử: nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951), Đại hội Đảng đầu tiên tổ chức ở trong nước và ngoài thủ đô Hà Nội; nơi tổ chức Đại hội thống nhất Việt Minh-Liên Việt; Đại hội Liên minh nhân dân ba nước Việt Nam-Lào-Căm Pu Chia; Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất.

 

 

* Điểm du lịch sinh thái Thác Bản Ba

Thác Bản Ba, xã Trung Hà

 

Là Danh thắng Quốc gia, thuộc thôn Bản Ba, xã Trung Hà, cách trung tâm huyện lỵ 25 km. Thác có vẻ đẹp độc đáo bởi chuỗi thác liên hoàn với ba tầng thác lớn cùng đổ nước thẳng đứng ở độ cao 1.000m và nhiều dòng thác nhỏ mềm mại như dải lụa trắng tỏa rộng ra xung quanh. Hai bên dòng thác là cánh rừng nguyên sinh trải dài với thảm động, thực vật phong phú và đa dạng. 

 

 

 

* Danh thắng Quốc gia Thác Lụa, xã Hòa Phú:

 

Thác Lụa nằm trong khu rừng đặc dụng thôn Thác Ca, xã Hòa Phú, cách trung tâm huyện lỵ 30 km; thác được tạo bởi 3 tầng thác chính và các tầng thác nhỏ mềm mại như dải lụa trắng giữa rừng nguyên sinh; đến đây du khách được trải nghiệm leo thác, khám phá rừng nguyên sinh với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. 

 

 

* Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc

Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên

 

Là ngôi chùa cổ nhất Tuyên Quang được dựng vào năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông (Càn Đức), chùa thờ phụng đức Phật tổ, tổ tiên và Lý Nhân Tông. Tại đây còn lưu giữ một hiện vật rất quý thời Lý đó là tấm bia đá được tạc bằng đá xanh nguyên khối, tấm bia được công nhận là bảo vật Quốc gia năm 2013.

 

 

 

 

 

* Đền Bách Thần

Đền Bách Thần, thị trấn Vĩnh Lộc

 

Là đền thờ Tam phủ công đồng cùng các vị thần linh trong tín ngưỡng thờ mẫu, đặc biệt là thờ tướng quân Ma Doãn Giảo người con của quê hương Chiêm Hóa có công giúp dân đánh giặc "Cờ đen" vào khoảng cuối thế kỷ XIX; đền Bách Thần gắn với Lễ hội Lồng Tông mồng 8 tháng giêng (âm lịch) hàng năm, là biểu tượng cho nét văn hoá tâm linh của nhân dân các dân tộc huyện Chiêm Hoá.

 

 

 

* Đền Đầm Hồng

Đền Đầm Hồng, xã Ngọc Hội

 

Là đền thờ Địa tiên Thánh Mẫu với kiến trúc đền độc đáo theo thuyết phong thủy “Tiền minh đường, hữu hậu chẩm”, là nơi thủy tụ phúc; đền còn lưu giữ được 4 bức đại tự cổ, trong đó bức cổ nhất là bức Cao Thanh Túc, cách đây gần 200 năm.

 

 

 

* Địa điểm chiến thắng Cầu Cả, thôn Cầu Cả, xã Yên Nguyên:

Tại đây, tháng 6 năm 1945, đã diễn ra trận phục kích chặn đánh phát xít Nhật của quân   chủ lực Tuyên Quang và dân quân du kích địa phương. Ngày 05 tháng 11 năm 1947, Trung đoàn Tuyên - Hà và du kích đã chặn đánh một cánh quân địch, bảo vệ an toàn các cơ sở kháng chiến, góp phần làm nên chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông năm 1947.