Thành lập năm 2020, HTX Nông nghiệp Minh Hoàng, xã Phúc Thịnh này đã thực hiện mô hình liên kết với nông dân trồng ngô sinh khối và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con với 60 ha/vụ. Hai năm nay, HTX triển khai trồng liên kết ớt và gấc nhằm tạo thêm vùng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tham gia chuỗi, người dân được HTX hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và bao tiêu sản phẩm. Cách làm này đã giúp người nông dân ở địa phương nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Các mô hình liên kết sản xuất được huyện Chiêm Hoá tích cực triển khai xây dựng và nhân rộng, khẳng định hướng đi đúng cho kinh tế nông nghiệp của huyện.
Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp được huyện Chiêm Hóa triển khai bài bản, trong đó HTX giữ vai trò chủ thể. Tập trung nguồn lực, lồng ghép và ưu tiên các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với các sản phẩm chủ lực của từng địa phương. Tích cực triển khai xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Qua đó đã tạo thuận lợi trong tiêu thụ nông sản và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình liên kết được hình thành, từng bước khẳng định hướng đi đúng cho kinh tế nông nghiệp của huyện.
Việc xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi đang là hướng đi giúp nông dân ở huyện Chiêm Hóa không chỉ thay đổi tư duy, lối canh tác cũ mà còn xây dựng được thương hiệu sản phẩm hàng hóa tại địa phương. Góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, thu nhập cho người dân, thúc đẩy nền nông nghiệp của huyện phát triển bền vững.
Gửi phản hồi