Ứng dụng công nghệ vào hoạt động Hội phụ nữ

Bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã và đang tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, triển khai công tác hội. Qua đó, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động Hội, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhanh chóng bắt nhịp

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Hội là một trong 4 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI đã xác định. Hội LHPN tỉnh đã xây dựng Kế hoạch, xác định rõ các nội dung về chuyển đổi số trong hoạt động Hội, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đột phá này.

Nhiều mục tiêu cụ thể được Hội đề ra từ nay đến năm 2025, trong đó phấn đấu: 80% văn bản của Hội LHPN tỉnh được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật theo quy định); 100% chế độ báo cáo được tạo lập, cập nhật, lưu trữ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống dùng chung theo quy định; 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản, sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác; trên 80% chi hội ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong sinh hoạt và tổ chức các hoạt động...

Các cuộc họp trực tuyến đã được tổ chức thường xuyên. Hệ thống quản lý văn bản điển tử I-Office được sử dụng đồng bộ. Hội cũng đã thực hiện chữ ký số tích hợp vào hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành tại cơ quan. Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Trung ương hội tổ chức 2 lớp tập huấn triển khai sử dụng phần mềm của Trung ương Hội về quản lý cán bộ, hội viên, báo cáo thống kê, khen thưởng cho 167 cán bộ Hội chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Cán bộ Hội phụ nữ xã Thiện Kế (Sơn Dương) tham gia thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bằng điện thoại thông minh.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ hội viên phụ nữ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc sống và phát triển kinh tế, tại Ngày phụ nữ khởi nghiệp được tổ chức vào tháng 10-2022, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh, Viettel Tuyên Quang, Công ty cổ phần Công nghệ phát triển quốc tế KTS Des group giới thiệu, hướng dẫn cho hơn 200 chị là nữ doanh nhân, thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm cùng sở thích, hộ kinh doanh về dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Các chị cũng được giới thiệu, hướng dẫn kết nối đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử PostMart, Voso; khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ số, chủ động, sáng tạo, hiệu quả bắt nhịp xu thế chuyển đổi số.

Đồng chí Phạm Thị Thúy Hà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, hiện nay, Hội LHPN tỉnh đang duy trì quản lý trang thông tin điện tử của Hội; thường xuyên thực hiện đăng tải, cập nhật đa dạng các thông tin, nhất là các thông tin liên quan đến phụ nữ và trẻ em. 138/138 Hội LHPN các xã, phường, thị trấn đều xây dựng và duy trì hoạt động của các trang fanpage. Hội LHPN các cấp đều xây dựng được các nhóm zalo, facebook kết nối với nhau, thông qua đó để triển khai các nhiệm vụ công tác Hội. Nhờ đó, giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp Hội được thực hiện kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho cán bộ, hội viên.

Đặc biệt, Hội đã thực hiện phòng họp không giấy, các tài liệu đều được chuyển tới đại biểu qua app của Hội. Việc báo cáo kết quả Đại hội phụ nữ các cấp được báo cáo thông qua phần mềm zoom. Trong các Hội nghị, các lớp tập huấn, các cuộc thi... các tổ chức Hội đã linh hoạt sử dụng công nghệ thông tin để trình chiếu các video, giúp cho nội dung các chương trình thêm phong phú, sinh động, bớt nhàm chán.

Công nghệ đi vào cuộc sống

Chị Trần Thị Bắc, Chủ tịch Hội LHPN phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) cho biết, nhờ biết sử dụng điện thoại thông minh nên các chị em đã lên Youtube xem và tải các điệu nhảy dân vũ về để tổ chức tập luyện. Các chị còn quay lại các bài nhảy trong các chương trình giao lưu ở phố đi bộ thành phố đăng tải trên các trang facebook cá nhân. Bởi vậy, phong trào nhảy dân vũ, thể thao của chị em trên địa bàn ngày càng lan tỏa, sôi nổi, phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào hoạt động quảng bá, giới thiệu các hình ảnh đẹp của thành phố Tuyên Quang đến với du khách.

Cán bộ Bưu điện tỉnh hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 cho cán bộ, hội viên phụ nữ.

Bà Nịnh Thị Thanh, đội văn nghệ Sình ca Cao Lan, hội viên phụ nữ thôn 8 Hợp Hòa, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) cho biết, nhờ biết sử dụng điện thoại thông minh mà giờ có khi không cần tới gặp nhau trực tiếp vẫn có thể hát giao lưu qua cuộc gọi hình ảnh trên zalo, facebook được. Vì thế việc hát giao lưu với bạn bè được mở rộng ở khắp mọi nơi chứ không bó hẹp ở thôn nữa. Bà và các chị em khác còn biết quay video, gửi lên mạng xã hội để mọi người được xem, được nghe và biết đến làn điệu Sình Ca. Thông qua đó, mệt nhọc, vất vả được xua tan, bà thêm yêu đời, yêu cuộc sống, tiếp tục góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Còn đối với chị Bàn Thị Thương, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Thái (Na Hang), chủ Homestay Mác Cọp, sau khi tham gia tập huấn tại Ngày Phụ nữ khởi nghiệp 2022, chị thu được nhiều kiến thức để làm tốt hơn công việc làm du lịch trải nghiệm. Đó là biết cách viết giới thiệu, quảng bá, mời gọi khách du lịch đến với Hồng Thái; biết học cách làm du lịch trải nghiệm ở các tỉnh bạn; mời gọi khách hàng mua các sản phẩm sạch do Homestay sản xuất như: rượu, gạo, lợn, gà, các loại rau, củ, quả theo mùa sao cho thật hấp dẫn, thu hút trên các fanpage như: Thương Thương, Homestay Mác Cọp... Nhờ đó, các sản phẩm gia đình chị sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Chị còn thu mua và bán hộ cả nông sản sạch cho bà con trong thôn, xã. Khách du lịch ngày càng biết đến Hồng Thái với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp vào mùa hoa Lê, hoa Mận, góp phần thúc đẩy du lịch cho địa phương phát triển.

Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho cán bộ Hội các cấp và các chị em là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã... để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đẩy mạnh kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm gắn với thương mại điện tử... Mới đây, Hội cũng đã ký quy chế phối hợp với Công an tỉnh, Tỉnh đoàn trong thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ tại địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ, thống nhất, giúp các chị em biết sử dụng các nền tảng số phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục