Chiêm Hóa tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, huyện Chiêm Hóa đã có nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng khẳng định lợi thế trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Ðể tiếp tục phát triển kết quả đạt được, các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất nỗ lực nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP.

Ông Hứa Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Bình (đứng giữa) giới thiệu sản phẩm thế mạnh địa phương với các đại biểu.

Ông Hứa Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Bình chia sẻ: Xác định các sản phẩm OCOP là “hạt nhân” thúc đẩy phát triển kinh tế, việc triển khai có hiệu quả chương trình OCOP gắn với các tiềm năng, thế mạnh của địa phương đang được xã Kim Bình kỳ vọng là đòn bẩy góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Năm 2025, xã Kim Bình tiếp tục phát triển thêm 02 sản phẩm ocop, để đạt được mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đề ra mục tiêu cụ thể. 

 Ðể tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm đặc trưng theo các tiêu chí trong chương trình OCOP, các đơn vị sản xuất, các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng áp dụng công nghệ vào sản xuất; xây dựng, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản phẩm OCOP phù hợp với xu thế, đòi hỏi của thị trường. Mới đây, thương hiệu Măng khô Bà Cúc, của hộ kinh doanh Phạm Thị Kim Cúc, tổ Vĩnh Sơn, thị trấn Vĩnh Lộc được hội đồng OCOP huyện Chiêm Hóa đánh giá, phân hạng 3 sao. Đây là động lực để chủ thể tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Bà Cúc chia sẻ thêm, cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất, áp dụng công nghệ vào sản xuất, năm nay việc xây dựng OCOP gắn với câu chuyện sản phẩm sẽ là mục tiêu để sản phẩm măng khô vươn xa thị trường.

Chị Nguyễn Thị Uyên giới thiệu về sản phẩm Lươn Yên Nguyên tại hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Trong kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP, huyện Chiêm Hóa xác định và tập trung phát triển, nâng cấp các sản phẩm đặc trưng và nhiều sản phẩm tiềm năng có thể xây dựng các tiêu chí để đạt chuẩn OCOP nhằm phát huy giá trị kinh tế. Hiện nay, các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đã có sự khác biệt, mang đặc trưng riêng, nhiều sản phẩm có nhãn hiệu tập thể, mã số vùng trồng... Từ việc hỗ trợ của nhà nước, từ chương trình OCOP, người dân địa phương mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất. Cùng với đó, các cơ quan chức năng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các chủ thể về cơ chế, chính sách, hỗ trợ quảng bá nhiều mặt hàng là đặc sản, đặc trưng của huyện tới các tỉnh, thành lân cận, tăng cường liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá./.

Hoài Thu - Tài Tùng

Tin cùng chuyên mục