Kinh tế số - Bước đột phá cho tương lai

Với tầm nhìn chiến lược và sự đầu tư mạnh mẽ, Tuyên Quang đang từng bước tận dụng tiềm năng của công nghệ số để thúc đẩy kinh tế, cải thiện đời sống người dân, và rút ngắn khoảng cách với các khu vực phát triển trong cả nước.

Kinh tế số - Cơ hội lớn cho Tuyên Quang

Trong những năm qua, tỉnh đã chú trọng thu hút tạo thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phát triển, triển khai các nền tảng phục vụ chuyển đổi số. UBND tỉnh đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn lớn như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); Tập đoàn FPT; Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để đẩy mạnh chuyển đổi số của tỉnh một cách toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.

Hiện các nền tảng dùng chung từ cấp tỉnh tới cấp xã phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh, như: Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tuyên Quang;  Phần mềm số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, CSDL số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tuyên Quang...  Thông qua các ứng dụng số, các kênh tương tác của chính quyền người dân giúp các cơ quan nhà nước kịp thời nắm bắt, giải quyết vấn đề, đồng thời nâng cao năng lực hoạt động, cung cấp dịch vụ nghiệp vụ.

Kiểm tra sản phẩm OCOP của tỉnh bằng mã vạch, một trong những ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các dịch vụ ngân hàng số, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện lợi, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt một cách dễ dàng, thuận tiện. Năm 2024 toàn tỉnh có 36 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp đã tích cực cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, thương mại, quảng bá sản phẩm của tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh cũng đã đẩy mạnh xây dựng, phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị, hình thành chuỗi cung ứng. Sàn Thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang hiện có 1.009 doanh nghiệp đăng ký tham gia với 2.532 sản phẩm về nông, lâm, thủy sản, dịch vụ du lịch, lữ hành,… phục vụ khách hàng trên toàn quốc. Tỉnh hiện có 238 sản phẩm của 247 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh được giới thiệu trên Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Bên cạnh đó, hàng trăm sản phẩm của tỉnh được giới thiệu, bày bán trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki,... 

Theo số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê, ước tính tỷ trọng tăng thêm của kinh kế số trong GRDP của tỉnh Tuyên Quang năm 2023 là 6,19% (năm 2020: 5,48%; năm 2021: 5,84%; năm 2022: 6,02%); kinh tế số ngành lĩnh vực chiếm chủ yếu, như: thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, vận tải,... Như vậy, tỷ trọng tăng thêm của kinh tế số tỉnh Tuyên Quang năm sau có tăng hơn so với năm trước.

Ứng dụng trên nhiều lĩnh vực

Cổng Cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Tuyên Quang đã được xây dựng đưa vào sử dụng, kết nối các dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở của toàn tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, khai thác cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động, người dân trên địa bàn tỉnh. Cổng đã kết nối thông tin vùng sản xuất trồng trọt hữu cơ; diện tích, năng suất, sản lượng một số loại cây trồng; Bảng giá vật liệu xây dựng; Các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu; Danh sách địa điểm du lịch; Danh sách công ty lữ hành; Dữ liệu về công báo điện tử cấp tỉnh; Tài liệu địa chí;…. trên địa bàn tỉnh. 

Với ngành nông nghiệp, sự hỗ trợ của công nghệ số, tỉnh đã triển khai mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ IoT, drone, và phần mềm quản lý chuỗi cung ứng để tối ưu hóa sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản. Một số hợp tác xã đã sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để quảng bá và bán sản phẩm như: chè Shan tuyết, cam sành Hàm Yên, các sản phẩm OCOP... Nhờ đó, nông sản Tuyên Quang không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Phát triển du lịch số, việc số hóa các điểm đến, xây dựng các ứng dụng hướng dẫn du lịch trực tuyến và quảng bá qua mạng xã hội đã giúp tỉnh thu hút thêm nhiều du khách. Khách du lịch có thể tìm hiểu thông tin về Lễ hội Thành Tuyên - một sự kiện nổi bật của tỉnh - thông qua các ứng dụng trực tuyến. Điều này không chỉ giúp du khách thuận tiện hơn mà còn nâng cao hình ảnh du lịch của địa phương.

Tuyên Quang đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những tỉnh tiên phong trong chuyển đổi số tại khu vực miền núi phía Bắc. Với chiến lược phát triển đúng đắn, sự đồng lòng của chính quyền và người dân có thể kỳ vọng vào một nền kinh tế số toàn diện, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững. Kinh tế số chính là cánh cửa mở ra những cơ hội mới, giúp Tuyên Quang từng bước thoát khỏi sự lạc hậu và vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục