Trạm Kiểm lâm Phúc Sơn: Bảo vệ rừng từ vùng lõi

Các xã Phúc Sơn, Minh Quang được biết đến là “thủ phủ” của rừng nghiến ở Chiêm Hóa. Nơi đây còn tồn tại những cây gỗ nghiến vài trăm năm tuổi quý hiếm. Những năm trước, nơi này cũng là địa bàn phức tạp về công tác quản lý lâm sản. Với quyết tâm bảo vệ rừng từ vùng lõi của Trạm Kiểm lâm Phúc Sơn, đến nay tình trạng khai thác, vận chuyển tàng trữ lâm sản trái phép trong khu vực đã cơ bản được kiểm soát.

Cán bộ Trạm Kiểm lâm Phúc Sơn (Chiêm Hóa) tuần tra bảo vệ rừng.

Trạm Kiểm lâm Phúc Sơn thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Chiêm Hóa quản lý trên 10 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó có trên 9 nghìn ha rừng tự nhiên, chủ yếu là rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Phúc Sơn và Minh Quang.

Anh Cao Thế Duẩn, Trưởng trạm Kiểm lâm Phúc Sơn cho biết, ngay từ đầu năm 2017, Trạm đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng, quyết tâm không để bất kỳ cây gỗ quý nào bị chặt hạ. Trong đó, Trạm đã phân công cán bộ kiểm lâm, cán bộ tuần rừng kết hợp với các lực lượng chức năng của huyện thực hiện chốt chặn tại các cửa rừng, tăng cường việc kiểm soát các loại phương tiện ra, vào khu vực; tăng cường các biện pháp tuyên truyền, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng cho các hộ dân... Với quyết tâm bảo vệ từng gốc cây, mặc dù lực lượng mỏng, nhưng Trạm vẫn cắt cử cán bộ kiểm lâm cùng cán bộ tuần rừng dựng chốt, tuần rừng túc trực 24/24 giờ trong vùng lõi của khu rừng nghiến.

Theo anh Duẩn, chốt bảo vệ rừng của trạm ở xa nhất là chốt Hang Khỉ, có độ cao 920 km so với mực nước biển. Từ trạm trung tâm lên đến chốt Hang Khỉ phải leo rừng mất 3 giờ đồng hồ, nếu vào ngày trời mưa, đường đá trơn trượt thì đi mất nhiều thời gian hơn. Mặc dù ở sâu trong rừng, thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt, cán bộ Trạm vẫn luôn động viên anh, em quyết tâm bám rừng.

Cán bộ tuần rừng trẻ Hoàng Văn Thủy đã có gần 5 năm bám rừng ở Phúc Sơn. Hoàng Văn Thủy tâm sự, mỗi tháng anh có 2 đến 3 lần vào trực tại chốt Hang Khỉ, mỗi lần trực chốt 5 ngày rồi tốp khác vào thay trực. Đây là chốt xa nhất trạm, nằm sâu trong rừng, sóng điện thoại chập chờn, lắm muỗi, nhiều vắt… Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nên mọi thứ đều được các anh sử dụng hết sức tiết kiệm, từ pin điện thoại, gạo, muối, nước uống cũng phải tính toán sao cho đủ dùng...

Đường vào chốt cũng là cung đường tuần tra, bảo vệ rừng, trước khi vào trực chốt, ngoài tư trang cá nhân, các anh phải chuẩn bị các loại thực phẩm để đủ sinh hoạt trong 5 ngày, chuẩn bị cơm nắm, muối vừng để ăn dọc đường lên chốt. Mặc dù khó khăn, nhưng các anh vẫn quyết tâm bám rừng, giữ rừng, giữ màu xanh quê hương.

Quyết tâm giữ rừng của Trạm Kiểm lâm Phúc Sơn đã góp phần ổn định tình hình, chặn đứng các vụ chặt phá rừng, từ đầu năm đến nay, không có một cây gỗ quý hiếm nào bị chặt hạ. Các vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép kịp thời được phát hiện xử lý, người dân đã ý thức hơn trong việc bảo vệ và phát triển rừng.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục