Nghị lực của người thương binh “tàn nhưng không phế”

Để lại một phần thân thể ở chiến trường, vết thương cũ thường xuyên tái phát nhưng với ý chí và nghị lực của người lính, ông Hà Hữu Độ, thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, viết tiếp truyền thống vẻ vang của “Bộ đội Cụ Hồ” trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Năm 1969, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh niên Hà Hữu Độ vừa tròn 17 tuổi xung phong lên đường tiếp sức cho tiền tuyến miền Nam. Trải qua khắp các mặt trận như tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia; tham gia chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên; tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam...Năm 1978, theo yêu cầu nhiệm vụ của quân đội, ông Độ được điều về Đại đội 3, Tiểu đoàn 4 trực thuộc huyện đội Quản Bạ, tỉnh Hà Tuyên cũ, nay là tỉnh Hà Giang, giữ chức vụ Đại đội trưởng. Đến tháng 5/1979, trong một lần làm nhiệm vụ tuần tra biên giới, ông bị thương rất nặng, mất một phần chân phải và hỏng một bên mắt. Sau đó, ông được chuyển về an dưỡng tại Đoàn 235, Quân khu 2- Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Tháng 3/1983 ông Độ được xuất ngũ và chuyển đến an dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ. Đến năm 1985, ông Độ về an dưỡng tại địa phương.

Thương binh hạng 1/4 Hà Hữu Độ, thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang luôn được vợ yêu thương chăm sóc.

Trở về với cuộc sống đời thường, là thương binh hạng 1/4, với tỷ lệ mất sức lao động 95% nhưng ông Độ vẫn lạc quan, yêu đời, mong muốn được sống, được cống hiến. Mặc dù mất một chân, một mắt nhưng 2 tay vẫn có thể sử dụng bình thường, ông vẫn chăm chỉ, cần mẫn lao động. Khi đó, vợ còn đang tham gia công tác, hai con còn nhỏ, cộng thêm những vết thương cứ giày vò mỗi đêm nhưng ông luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền". Vì vậy, ông đã tìm tỏi hỏi cách làm kinh tế để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Dưới ao ông thả cá, trên bờ trồng cây ăn quả và chăn nuôi gà, thả dê. Hiện nay, ông Độ đang sở hữu trên 5 ha keo, trên 20 con dê và trên 2.000 m2 ao thả cá… Mỗi năm, từ mô hình kinh tế, gia đình ông có thu nhập trên 200 triệu đồng.

                    Ông Hà Hữu Độ, thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang với mô hình phát triển kinh tế từ vườn rừng  

mang lại hiệu quả cao cho gia đình.

Với ông Độ, là người lính cụ Hồ từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, tuy bị thương tật và mang trong mình di chứng chiến tranh nhưng ông luôn cảm thấy mình còn may mắn hơn bao đồng đội đã ngã xuống, chính điều đó càng thôi thúc để ông kiên cường, cố gắng hơn để động viên vợ con mình. Trong gia đình, ông luôn là một người chồng, người cha mẫu mực, tận tâm với vợ và các con. Hằng năm, vào những dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ, ông vẫn tổ chức đi thăm đồng đội, ôn lại quá khứ và động viên nhau vượt lên hoàn cảnh.

Với bản lĩnh vững vàng, không ngại khó, ngại khổ của người lính, cựu chiến binh Hà Hữu Độ cũng như nhiều thương binh khác trên địa bàn huyện đang tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ của mình trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, viết tiếp trang sử vẻ vang của người lính quân đội nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước./.

Nguyễn Bình - Quang Huy

Tin cùng chuyên mục