Làng “xuất ngoại” ở Chiêm Hóa

Công tác xuất khẩu lao động tại xã Yên Nguyên từ lâu đã trở thành kênh thoát nghèo hiệu quả cho người dân. Trong đó, thôn Cầu Cả đã trở thành làng “xuất ngoại” với những ngôi nhà cao tầng khang trang được xây dựng từ nguồn tiền do lao động xuất khẩu gửi về mọc lên ngày càng nhiều…

Ông Cầm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên cho biết, từ năm 2017 đến nay, toàn xã có 33 người đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan. Trong đó, riêng thôn Cầu Cả đã có 20 người. Để làm tốt công tác xuất khẩu lao động, hằng năm, xã đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, các đơn vị được cấp phép xuất khẩu lao động tổ chức các hội nghị tư vấn xuất khẩu cho người dân trên địa bàn. Qua đó, giúp người dân nắm được những thông tin tuyển dụng đầy đủ và hữu ích, không để xảy ra tình trạng xuất khẩu lao động chui. Ngoài ra, xã cũng hỗ trợ người dân hoàn thiện những giấy tờ cần thiết để đi xuất khẩu lao động nhằm giảm bớt thời gian, áp lực cho người lao động. 

Căn nhà hai tầng khang trang được xây dựng từ nguồn tiền đi lao động xuất khẩu
của 2 con anh Phùng Văn Khoát, thôn Cầu Cả, xã Yên Nguyên.

Theo ông Phạm Văn Đông, Trưởng thôn Cầu Cả, thôn có 62 hộ, 273 nhân khẩu. Cùng với gần 20 lao động đi làm việc ở nước ngoài, thôn có 43 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trong nước. Số tiền người lao động gửi về trong 1 tháng bằng số tiền làm ruộng cả năm của thôn. Tiêu biểu như: Gia đình anh Phùng Văn Khoát, có hai con gái đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, mỗi tháng hai con của anh gửi về gần 40 triệu đồng; gia đình ông Vũ Đức Hiên, có con trai và con dâu đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, mỗi tháng gửi về cho gia đình hơn 40 triệu đồng…

Anh Phùng Văn Khoát chia sẻ, 2 con anh đều làm việc tại Nhật Bản trong lĩnh vực ẩm thực. Năm 2017, khi người chị cả sang làm việc, ngay từ những tháng đầu tiên đã tiết kiệm và gửi về cho gia đình gần 20 triệu đồng. Thấy công việc ổn định và cũng theo mong muốn của con, đầu năm 2018, con gái út của anh cũng đã đi sang làm việc cùng chị, tháng 3 vừa rồi, cháu đã gửi về tháng lương đầu tiên là 19 triệu đồng. Hiện tại, với nguồn tiền các con gửi về hàng tháng và thu nhập từ dịch vụ xay xát, bán phân bón phục vụ bà con trong thôn, mỗi tháng gia đình anh thu nhập được hơn 50 triệu đồng.

Nhờ có nguồn tiền từ người lao động đi xuất khẩu gửi về, nhiều gia đình trong thôn đã tích lũy được vốn đầu tư phát triển kinh tế, đời sống người dân được nâng lên. Đến nay, thôn chỉ còn 1 hộ nghèo, chiếm 1,6% tổng số hộ trong thôn. Năm 2017, thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm.

Hiện nay, trên địa bàn thôn, những ngôi nhà cao tầng khang trang xuất hiện ngày càng nhiều, giúp bộ mặt nông thôn nơi đây thêm phần khởi sắc. Mong rằng, từ những chủ trương đúng, trong thời gian tới không chỉ ở thôn, ở xã mà còn ở các địa phương khác trong tỉnh người dân sẽ tiếp cận hiệu quả với hướng đi làm kinh tế theo mô hình xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục