Xuân mới ở Khuổi Hóp

Những bông hoa mận, hoa đào đầu tiên chớm nở cũng là lúc đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở bản Khuổi Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) tổ chức ăn Tết Quá chi (tết cổ truyền). Người Pà Thẻn đón Tết này trong niềm vui ấm no, đổi mới. Cái đói, cái nghèo ở đây đã được đẩy lùi dần bởi tư duy mới của người dân về làm kinh tế.

Ăn Tết sớm

Khác với người Kinh và đồng bào dân tộc khác, người Pà Thẻn gọi Tết Nguyên đán là Tết Quá chi (từ 25 tháng Chạp, trước Tết cổ truyền của người Kinh vài ngày). Pà Thẻn là một trong những dân tộc có phong tục ăn Tết cổ truyền đậm đà bản sắc và được gìn giữ lâu đời. Ông Tái Văn Thạnh cho biết, trước kia người Pà Thẻn có nhiều tục lệ kiêng khem lắm, nhưng bây giờ khác rồi, bỏ bớt những tục lệ rườm rà mà vẫn giữ được nét đặc sắc văn hóa truyền thống. Mùa xuân mới, người Pà Thẻn cũng như các dân tộc khác đều cầu mong cho gia đình mạnh khỏe, đoàn kết, vợ chồng hòa thuận, mùa màng bội thu và con cái học hành tiến bộ. Riêng phong tục ăn Tết sớm hơn người Kinh 5 ngày được gìn giữ bởi liên quan đến tục thờ cúng ông bà, tổ tiên. Theo đó, người Pà Thẻn kết thúc ăn Tết vào 12 giờ đêm 30 tháng Chạp. Ngày mùng một, người Pà Thẻn nghỉ ngơi, ngày mùng 2 bắt đầu lao động sản xuất.

Người Pà Thẻn ở Khuổi Hóp chăm sóc rừng trồng.

Công việc chuẩn bị cho Tết như lá nón, lá dong gói các loại bánh sừng trâu, bánh chưng, gà, lợn đã được người dân chuẩn bị đầy đủ. Bà Nguyễn Thị Vững cho biết: Tết năm nay, gia đình đã mổ một con lợn khoảng 70 kg và một đàn gà ta nuôi từ đầu năm, một thúng gạo nếp để gói bánh sừng trâu, bánh trưng dài, loại bánh cổ truyền của người Pà Thẻn. Bà Vững bảo, bánh sừng trâu được làm từ gạo nếp, gạo để khô không vo mà gói luôn. Lá để gói là loại lá nón lấy từ trong rừng hoặc lá vầu, lá giang. Khi gói lá được xoay 360 độ, tạo thành hình nón hoặc hình phễu, rồi cho gạo vào nén chặt, gấp lại lá thừa để tạo thành chiếc bánh đơn. Khi gói xong, buộc bánh lại thành từng cặp rồi ngâm nước khoảng 2 tiếng mới luộc. Bánh sừng trâu khi đã chín có màu sắc đẹp của nếp, tỏa ra mùi hương ngọt ngào của lá trông rất hấp dẫn. Bánh sừng trâu không có nhân, vì thế mà sau nhiều ngày vẫn giữ được độ dẻo, mùi thơm và không sợ hỏng…
Việc thờ cúng của người Pà Thẻn cũng có nét đặc sắc riêng, không cầu kỳ, có một bát hương chung, một bát nước tinh khiết. Bà Vững cho biết, trước đây làm rẫy, đến gần Tết nhà nào cũng mang gao tẻ đi xay về nắm thành từng nắm để lên bàn thờ. Sau mấy ngày Tết mang xuống xem, nếu nắm bột mốc đỏ là năm tới được mùa, mốc xanh là mất mùa. Giờ không làm rẫy nữa, người dân đã bỏ dần phong tục này, chỉ còn làm cơm cúng tổ tiên, thần linh để mong năm mới có sức khỏe và may mắn. Cho củi vào bếp để nấu rượu, bà Vững nói tiếp: “Mẻ rượu này tôi nấu để Tết gia đình dùng, nấu từ men lá cây rừng và thóc nếp, mỗi năm chỉ nấu dịp rằm tháng 5 (lễ cầu mùa của người Pà Thẻn, cầu cho mùa màng bội thu) và Tết thôi. Bây giờ tiến bộ rồi, dân không uống nhiều rượu nữa, để sức làm ăn, nuôi dạy bọn trẻ có chữ, có nghề. Người Pà Thẻn chỉ giữ những phong tục đẹp như tục cưới hỏi, trang phục, ẩm thực, đặc biệt là vợ chồng không bao giờ được bỏ nhau và phải chung thủy một vợ, một chồng”. 

Đổi mới tư duy làm kinh tế

Thôn Khuổi Hóp có 40 hộ với 164 người Pà Thẻn sinh sống. Anh Tái Đức Văn, Trưởng thôn cho biết: Dân tộc Pà Thẻn trước đây chỉ sống nhờ nương rẫy nên chọn núi rừng để định cư, vì thế mới ở lại Khuổi Hóp. Cuộc sống gần như khép kín, tự sản tự tiêu là chính. Nhưng 3 năm trở lại đây, cuộc sống của người dân đã thay đổi rất nhiều, từ tư duy sống đến cách làm kinh tế. Diện tích đất rừng làm nương trước đây đã chuyển sang trồng rừng sản xuất, diện tích đồi thấp được canh tác chè búp sạch theo hướng đặc sản, phát triển chăn nuôi… Theo thống kê của Trưởng thôn Văn, thôn hiện có trên 300 ha rừng sản xuất. Mỗi nhà có từ 5-10 ha rừng, chỉ duy nhất một hộ không có rừng. 

Khuổi Hóp đang phát triển vùng chè tập trung và xây dựng thương hiệu chè sạch Pà Thẻn.

Bà Đinh Thị Ngần có trên 10 ha rừng, hiện đã trồng cây mỡ, keo. Số trồng sớm đã 3 tuổi, số mới trồng được 1 tuổi, chỉ còn 1 ha trồng cây hàng năm. Bà Ngần cho biết: “Dạo trước, đất rừng để trồng lúa nương, ngô, sắn chứ không trồng cây. Nhưng có năm được, năm mất nên cũng chỉ đủ ăn, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Những năm gần đây, được cán bộ xã, huyện vận động trồng rừng bán gỗ cho nhà máy giấy, người Pà Thẻn mới trồng rừng. Nhà tôi cũng thế, trồng mấy đận đến nay gần hết 10 ha rồi. Độ 5 năm nữa thì được thu hoạch cả”. Bà Ngần hy vọng rừng sẽ đem lại cho gia đình bà nguồn thu lớn để thay đổi cuộc sống, xây dựng nhà cửa khang trang. Bà Ngần bảo, từ ngày không làm rẫy mà chuyển sang trồng rừng lấy gỗ, con cái bà rảnh rỗi hơn, đi làm ở công ty, mỗi tháng thu nhập vài triệu. Sau này rừng được khai thác, coi như tiền để dành làm việc lớn như xây nhà, sắm xe, đầu tư cho tương lai…

Cùng với kinh tế rừng, cây chè búp đang mở ra hướng phát triển kinh tế cho bà con dân tộc Pà Thẻn ở Khuổi Hóp. Bà Nguyễn Thị Vững, trồng 1 vạn chè PH8, năm 2017 đã bắt đầu cho thu hoạch, chất lượng ngon do phù hợp với chất đất nâu đỏ ở đây. Bà Vững chia sẻ, đất và khí hậu ở đây hợp với cây chè. Ngày trước bà con đã trồng chè bản địa để uống, chè có vị hơi đắng nhưng ngon hơn trồng ở nơi khác. Năm 2015, được nhà nước hỗ trợ trồng chè PH8 theo chương trình 135. Sau hai năm trồng và chăm sóc đơn giản, cây chè đã cho thu hoạch. Nước có màu xanh nhạt, uống để lại vị ngọt ở cổ họng, người dân trong xã khá ưa dùng. Tiếng lành đồn xa, năm nay cả người ở thành phố Tuyên Quang cũng tìm mua chè búp sạch ở Khuổi Hóp.

Tháng 11-2017, UBND xã Linh Phú đã thành lập HTX chè Pà Thẻn để phát triển vùng chè tập trung và xây dựng thương hiệu sản phẩm chè búp sạch Pà Thẻn theo chủ trương xây dựng mỗi xã một sản phẩm của tỉnh. Đây là cơ hội, mở hướng phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Ông Hà Ngọc Thọ, Giám đốc HTX chè Pà Thẻn Linh Phú cho biết: Hiện HTX có 16 hộ thành viên trồng với diện tích 26,9 ha, trong đó có 4 ha mới bắt đầu cho thu hoạch năm 2017. Năm 2018, HTX đang trồng 10,5 ha, dự kiến đến năm 2025 sẽ phát triển trên 70 ha tập trung ở hai thôn Khuổi Hóp, Nà Luông, chủ yếu người dân tộc Pà Thẻn sinh sống.

Cũng theo ông Thọ, cây chè PH8 phù hợp với đất, khí hậu địa phương và tập quán canh tác của người dân. Năm 2017, chè búp của người Pà Thẻn được người tiêu dùng đánh giá khá cao. Tuy nhiên, vì mới canh tác, người dân chưa biết cách chăm sóc cũng như chế biến nên chất lượng, mẫu mã chưa đạt như mong muốn. Nhiệm vụ của HTX là kết nối người sản xuất, trao đổi kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm tốt nhất. Chính vì thế, thời gian tới, lãnh đạo HTX sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cũng như cơ quan chuyên môn huyện, tỉnh để hướng dẫn các thành viên trồng, chăm sóc chè đúng quy trình, sản xuất theo hướng sạch để tạo ra sản phẩm chè búp chất lượng, cung cấp cho thị trường và xây dựng thành đặc sản riêng của người Pà Thẻn ở Linh Phú./.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục