Vị thế của truyện ngắn Tuyên Quang

Không chỉ đều đặn xuất hiện trên các số Báo Tân Trào, truyện ngắn của các tác giả Tuyên Quang được đăng tải khá nhiều trên Báo Văn nghê, Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhiều tác phẩm được độc giả cả nước đón nhận nhiệt tình, phần nào khẳng định được tên tuổi của các cây bút truyện ngắn trên văn đàn nước nhà

Phân hội Văn học, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh có 51 hội viên, trong đó có khoảng hơn 20 người viết văn xuôi. Có thể kể đến những cây bút viết truyện ngắn có nghề như: Đinh Công Diệp, Phù Ninh, Trịnh Thanh Phong, Vũ Xuân Tửu, Nguyễn Đình Lãm… và gần đây xuất hiện các tác giả: Đỗ Anh Mỹ, Xuân Đặng. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy Tuyên Quang có đội ngũ viết văn khá hùng hậu, không những làm nòng cốt ở địa phương, là đội quân chủ lực trên Báo Tân Trào mà còn vươn ra văn đàn cả nước. Đánh giá về truyện ngắn xứ Tuyên, nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam từng nhận xét, văn xuôi cũng như truyện ngắn Tuyên Quang nổi trội trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.

Một số ấn phẩm truyện ngắn của các tác giả trẻ Tuyên Quang.

khoảng hai chục năm qua, Tuyên Quang đã có 12 tác giả xuất bản 24 tập truyện ngắn, mỗi tập thường có từ 9 - 10 truyện. Tiêu biểu tập truyện “Trước làng có soi rù rì” (Phù Ninh), “Vết thương thời bình” (Trịnh Thanh Phong), “Chuyện ở bản Piát” (Vũ Xuân Tửu), “Vịt ống” (Nguyễn Đình Lãm )… Đa số các tác phẩm đều được đăng trên các số Báo Tân Trào. Chủ đề sáng tác khá đa dạng, phản ánh chân thực đời sống, phong tục tập quán của con người miền núi. Bên cạnh đó, số lượng tác phẩm xuất hiện trên các báo Trung ương chiếm số lượng không nhỏ. Đã có hơn 12 tác giả đăng 42 truyện ngắn trên Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Có nhiều truyện ngắn gây ấn tượng lớn với độc giả cả nước. Tiêu biểu như truyện ngắn: “Kẽo kẹt tre làng” của Trịnh Thanh Phong, “Lùng tù” của Đinh Công Diệp, “Người đo đỉnh lũ” của Phù Ninh, “Biệt thự Siêu Na Viên” của Nguyễn Đình Lãm, “Cánh chân sào” của Vũ Xuân Tửu, “Bức ảnh không chú thích” của Nguyễn Trọng Hùng… Truyện ngắn là một thể tài bộc lộ rõ cái “chất” của người viết, mỗi tác giả đã chọn cho mình một phong cách sáng tác  riêng biệt.


Với lối viết giản dị, giàu chi tiết hiện thực, cố nhà văn Đinh Công Diệp để lại cho đời nhiều tác phẩm đặc sắc mang hơi thở miền núi. Tuy ông viết không nhiều, nhưng thành danh sớm. Trong đó, truyện ngắn “Lùng tù” trở thành “thương hiệu” của Đinh Công Diệp. Truyện xoay quanh nhân vật Vàng Lử Lùng, một cán bộ xã năng nổ, trách nhiệm nhưng bị sa ngã bởi thuốc phiện rồi vào tù. Tưởng đã tỉnh ngộ, khi ra tù hắn vẫn chứng nào tật ấy. Chỉ đến khi đứng trước cái chết và tiếng gọi thân yêu của người vợ, “Lùng tù” mới thực sự trở về làm người. Theo dõi mạch truyện ta thấy Đinh Công Diệp xây dựng nhân vật Vàng Mí Lùng khá thành công. Diễn biến tâm lý nhân vật, cách cảm cách nghĩ của người miền núi được tác giả phân tích khá sâu sắc.

Vũ Xuân Tửu là một trong những nhà văn gặt hái được nhiều thành công trong mảng văn học hiện thực. Truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu có đường nét thanh nhã, ngôn từ trau chuốt. Qua các tập truyện ngắn của ông như “Tầm phào”, “Yếm thắm”, “Bí mật cuốn gia phả”, “Con chim lụa”... người đọc nhận rõ hình ảnh của cuộc sống đời thường với đầy đủ góc cạnh của nó. Trong đó, “Chuyện ở bản Piát” đoạt giải nhất Văn nghệ Quân đội năm 2006. Chuyện xoay quanh số phận người lính trong chiến tranh, tuy mô típ chuyện đơn giản, giọng kể nhẹ nhàng thủ thỉ, nhưng nó không đơn thuần là bài ca lãng mạn về chiến tranh. Đó là sự mất mát, là sự hy sinh gian khó, là sự khắc nghiệt của chiến tranh với người lính. Không chỉ ở tác phẩm “Chuyện ở bản Piát”, trong truyện “Cỏng hò” và “Bí mật cuốn gia phả”, Vũ Xuân Tửu cũng ghi dấu bằng những chi tiết ấn tượng, ngôn từ trau chuốt khá kỹ lưỡng và thuyết phục người đọc, bằng lối miêu tả rất gợi.

Giọng văn của Nguyễn Đình Lãm khá dí dỏm, độc đáo khó lẫn với tác giả nào khác. Với cách thể hiện tự nhiên, lôi cuốn, truyện ngắn “Ăn riêng” gây ấn tượng với nhiều độc giả. Tác phẩm đề cập đến đạo lý sống ở đời “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Vợ chồng ông Phát có mấy đứa con, hầu hết đều nên cơ ngũ cả. Vốn xuất thân từ con nhà lao động, nay tuổi già đến ở với con, ăn không ngồi rồi, nhờ vả vào con cái, cái tâm lý người già khiến ông bà Phát đắn đo. Ông bà quyết định ra ở riêng để khỏi phiền hà cho con cái. Khác với phần lớn những kẻ phát nhanh, khi có đồng tiền là quên hết bố mẹ, tổ tiên, vợ chồng anh Hai (con ông bà Phát) lại đặt chữ hiếu lên đầu, một lòng yêu thương thờ phụng bố mẹ. Bởi thế họ đã bố trí thật khéo léo và hợp lý để ông bà Phát trở lại sum họp với con cháu, hưởng cuộc sống thanh bình lúc cuối đời.

Tác phẩm “Nốt ruồi hăm vận” đăng trên Báo Văn nghệ cuối tháng 12 - 2006 của tác giả Hồng Giang có kết thúc có hậu. Truyện kể về một cô gái nông thôn vì muốn chồng mình bằng chúng bằng bạn, muốn thay đổi cuộc đời cho chồng nên đưa anh lên tỉnh để “xử lý” cái nốt ruồi hãm vận trên mặt. Cốt truyện và cái tình tiết trong truyện tập trung làm nổi bật người phụ nữ nông thôn ít hiểu biết nhưng rất mực yêu chồng này. Một căn phòng khám tư rộng vài mét vuông cũng là một góc thu nhỏ của cuộc đời thường. Trong lúc cô gái nhà quê bấm bụng đến từng đồng xu trong túi thì cũng có kẻ giàu sang phố phường ném ra vài ba triệu như không. Truyện kết thúc khi hai vợ chồng người nông dân nghèo hân hoan ra về khi có đủ vài chục nghìn để thanh toán tiền công cho bác sỹ. Cho dù cái kết thúc của câu chuyện có hậu, song đọc xong vẫn thấy một chút gì xót xa cho thân phận người nông dân chân lấm tay bùn. Bên cạnh những tác giả có tên tuổi thì gần đây xuất hiện những cây viết trẻ như Ma Thị Hồng Tươi, Đinh Công Huỳnh, Dương Đình Lộc… Với những tác phẩm gây được tiếng vang như “Người Đại lý và bông hoa hướng dương” của Dương Đình Lộc, “Chuông gió” của Ma Thị Hồng Tươi…

Nhìn lại chặng đường phát triển, truyện ngắn Tuyên Quang tạo được vị trí đáng ghi nhận. Hy vọng, trong thời gian tới xuất hiện thêm nhiều tác phẩm mới lạ của lớp tác giả “măng non”. 

 

Theo Bao Tuyen Quang

Tin cùng chuyên mục