Lời tâm tình của “Bếp lửa nhà sàn”

Sau khi nghỉ hưu, nhạc sỹ Tăng Thình lùi về “ở ẩn” trong một trang trại tại thôn Nà Coóc, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa). Được sớm tối hòa mình với cảnh sắc núi rừng, cảm hứng sáng tác của ông vẫn như mạch nguồn tuôn chảy. Bếp lửa nhà sàn là một trong những tác phẩm mới có hiệu ứng khá mạnh trong lòng độc giả với giai điệu, ca từ lôi cuốn.

Nhạc sỹ Tăng Thình (giữa) cùng một số ca sỹ đến từ Hà Giang biểu diễn
ca khúc “Bếp lửa nhà sàn”. 

Tăng Thình thành công ở nhiều sáng tác sử dụng đậm đặc chất liệu dân gian của dân tộc Tày như Tiếng đàn then nghĩa tình, Áo chàm, Chiêm Hóa mồng 8 tháng Giêng, Tìm em ở hội xuân… Ca khúc Bếp lửa nhà sàn phổ từ bài thơ cùng tên của Mai Liễu. Tác phẩm dựa trên chất liệu dân ca dân tộc Tày với cách biến tấu linh hoạt, tác phẩm nhanh chóng tạo sức lan tỏa. Bài hát đã được phối khí, thu đĩa và nhiều ca sỹ biểu diễn.

Có người cho rằng, ca khúc của Tăng Thình thường sử dụng những nốt nhạc một cách hiền lành, ít thấy có cao trào. Nhưng cũng chính điều đó đã làm cho một phong cách gần gũi, giản dị phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số. Quả thực, đến với Bếp lửa nhà sàn, giai điệu của ca khúc cứ êm ả, mênh mang: “Vuông vuông bếp lửa nhà sàn/Tròn tròn cái kiềng trong bếp vuông/Phía trên là chỗ ông của cha/Phía bên là chỗ bà, chỗ mẹ/Phía dưới là của con dâu, con gái/Trẻ con ngồi xung quanh”.

Bài hát được viết bằng nhịp 2/4, âm hưởng uyển chuyển, rất nữ tính thể hiện nội tâm đầy cảm xúc. Nhịp điệu tiếp tục chậm rãi, từ tốn như một lời kể tâm tình nhưng ẩn đằng sau là cả một câu chuyện về nét đẹp văn hóa của gia đình người Tày: “Râm ran chuyện thôn làng, chuyện mùa màng quanh bếp hồng/Mẹ khâu còn, cha lựa dạy đàn và dạy cháu hát Then/Đi đâu cũng nhớ chín bậc cầu thang/Không bao giờ quên bếp vuông nhà sàn”.

Bếp lửa nhà sàn chỉ mấy mét vuông thôi mà ai nấy đều có chỗ ngồi riêng. Tất cả được sắp xếp một cách trật tự trên dưới từ ông bà, cha mẹ, con gái, con dâu… Đó chính là sự tôn trọng phép tắc, lễ nghi kính trên nhường dưới của người Tày. Bếp lửa cũng là không gian văn hóa, là nơi đoàn viên, sum vầy của gia đình. Sau một ngày lao động mệt nhọc, họ cùng ngồi lại kể cho nhau nghe chuyện buồn vui thường nhật. 

Bài hát có ca từ thật đẹp phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của đồng bào miền núi: “Người ở nhà sàn ngày đêm giữ lửa/Bằng củi gộc chắc khô/Gái nhà sàn má hồng môi đỏ/Trai nhà sàn chắc đôi cánh tay/Thật thà thẳng ngay, yêu thương nồng cháy/Tình như nước trong nguồn”. Tăng Thình vận dụng các làn điệu dân ca một cách linh hoạt và nhuần nhuyễn, làm cho giai điệu, ca từ trở lên mượt mà, đằm thắm. 

Tăng Thình đã sử dụng thủ pháp phát triển âm nhạc có tính kỹ thuật cao, âm vực của bài hát được thay đổi tạo nên những cung bậc cảm xúc đầy lắng đọng. Bài hát khép lại với lời ca thật ý nghĩa: “Qua bao đổi thay/Người nhà sàn vẫn thế/Bếp nhà sàn vẫn thế/Bếp vuông kiềng tròn”. Đây chính là lời khẳng định về sự bền vững của bản sắc văn hóa người Tày. Dẫu thời gian trôi qua đưa đến bao sự đổi thay nhưng người Tày vẫn luôn giữ được nét văn hóa riêng của mình. “Bếp vuông kiềng tròn” không chỉ là minh chứng cho khát vọng về cuộc sống vẹn tròn, viên mãn của người Tày mà biểu tượng cho âm dương, đất trời hòa hợp, vĩnh hằng.

Ca khúc cất vang, người nghe thổn thức cùng âm thanh da diết. Ta như hình dung ra được không gian núi rừng mênh mang hùng vĩ thấm đẫm bản sắc văn hóa người Tày. Bếp lửa nhà sàn đã thể hiện tư duy sáng tạo và hành trình lao động nghệ thuật không biết mệt mỏi của nhạc sỹ người Tày- Tăng Thình.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục