Liên hoan Văn hóa Văn nghệ dân gian: Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Bắc

Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” và Lễ hội Thành Tuyên năm 2016, tối 10-9, tại sân khấu trước cửa Trung tâm Hội nghị tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thể thao Thanh thiếu nhi tỉnh sẽ diễn ra Liên hoan Văn hóa Văn nghệ dân gian. Chương trình có sự tham gia của 6 tỉnh Việt Bắc, với những tiết mục văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc các dân tộc của từng địa phương.

Nghệ nhân Hà Thuấn truyền dạy hát Then cho thế hệ trẻ xã Tân An (Chiêm Hóa). Ảnh: Hoàng Minh  

Theo kế hoạch, mỗi tỉnh xây dựng 1 chương trình văn nghệ dân gian, thời lượng không quá 25 phút. Qua đó, giới thiệu về bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, có thể là tiết mục văn nghệ, hát, múa hoặc trích đoạn các nghi lễ trong sinh hoạt đời thường của các dân tộc. Các đơn vị đã chủ động lựa chọn  diễn viên tham gia, thành lập đoàn tổ chức tập luyện để đem đến liên hoan những tiết mục đặc sắc nhất. Điều đặc biệt là hầu hết các tỉnh Việt Bắc tham gia liên hoan đều lựa chọn những nghệ nhân, diễn viên từ cơ sở. Đó là những tiết mục văn nghệ hay là những nghi lễ gắn với sinh hoạt đời thường của bà con các dân tộc tại địa phương. Vì vậy, mỗi tiết mục không chỉ giàu bản sắc mà còn mang đậm hơi thở cuộc sống chính là những nét sinh hoạt, phong tục, tập quán lâu đời của bà con.

Chị Lê Thùy Dung, cán bộ Trung tâm Văn hóa triển lãm tỉnh Hà Giang, phụ trách Đoàn nghệ thuật cho biết, Trung tâm đã lựa chọn 4 tiết mục để tham gia Liên hoan Văn hóa Văn nghệ dân gian trong Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” tại tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, gồm một tiết mục Hát cọi của dân tộc Tày; tiết mục múa Người rừng của dân tộc Lô Lô; hát Giao duyên của dân tộc Dao và Múa thổi kèn Pí Lè của dân tộc Mông. Đặc biệt, tiết mục Múa thổi kèn Pí Lè được thổi dưới ánh nến và biểu diễn múa lộn nhào dưới 6 lưỡi dao thể hiện sự khéo léo và nét sinh hoạt văn hóa riêng của người dân tộc Mông ở địa phương. Qua đó, Đoàn muốn giới thiệu đến đông đảo người xem về những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh.

Đội văn nghệ thôn Đồng Vàng, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) luyện tập chuẩn bị tham gia Liên hoan Văn hóa Văn nghệ dân gian.   Ảnh: Thu Trang 

Theo Nghệ sỹ Ưu tú Thanh Tuấn, Giám đốc Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Đoàn Nghệ thuật tỉnh cũng đã lựa chọn và tổ chức tập luyện những tiết mục đặc sắc để đem đến Liên hoan. Trong đó, tập trung vào các tiết mục giới thiệu về đời sống văn hóa, tinh thần phong phú của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông và một màn hát múa đặc sắc giới thiệu về 54 dân tộc anh em. Thông qua những tiết mục nghệ thuật này, Đoàn muốn giới thiệu về bản sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các tiết mục được dàn dựng còn nhằm giới thiệu, quảng bá về những tiềm năng phát triển du lịch của địa phương với các tỉnh bạn.

Là đội chủ nhà, Trung tâm Văn hóa và Triển lãm tỉnh cũng đã có sự chuẩn bị chu đáo cho các tiết mục tham gia liên hoan. Anh Trần Hải Quang, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Triển lãm tỉnh cho biết, Trung tâm đã chọn 5 tiết mục tham gia liên hoan, gồm: Tấu trống của dân tộc Tày; hát Then cổ; múa Sinh Tiền của dân tộc Mông; Nghi lễ Then và múa Màng của dân tộc Dao. Tất cả các tiết mục tham gia do gần 30 nghệ nhân và diễn viên ở cơ sở biểu diễn. Qua đó, nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân. 

Thời gian diễn ra Liên hoan Văn hóa Văn nghệ dân gian các tỉnh Việt Bắc đang đến rất gần. Đây chính là cơ hội để các tỉnh trong trong khu vực Việt Bắc quảng bá, giới về mảnh đất, con người và những nét văn hóa đặc sắc của địa phương với các tỉnh trong và ngoài khu vực.  

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục