Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Di tích khảo cổ chùa Cầu Cả, xã Yên Nguyên

Chiều ngày 17/02, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa đã tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng cấp tỉnh di tích khảo cổ chùa Cầu Cả, thôn Cầu Cả, xã Yên Nguyên. Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn xã Yên Nguyên.

Các đại biểu dự Lễ đón nhận bằng xếp hạng cấp tỉnh di tích khảo cổ chùa Cầu Cả

Di tích chùa Cầu Cả nằm trên địa bàn thôn Cầu Cả, xã Yên Nguyên thuộc loại hình di tích khảo cổ. Chùa được xây dựng vào thời Trần, thế kỷ 13, 14 và tồn tại đến thời Lê sơ (khoảng thế kỷ 16). Năm 2015 - 2016, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang và Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành khảo sát chùa Cầu Cả đã phát hiện các dấu tích kiến trúc quan trọng như nền kiến trúc, vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc và những đồ dùng sinh hoạt, thờ cúng bằng sành, sứ, đồng, đất nung từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16.

Chùa Cầu Cả là ngôi chùa tháp có quy mô lớn, cấu trúc tương đối rõ ràng và có giá trị về khảo cổ. Đây là nguồn sử liệu quý giúp các nhà nghiên cứu, khảo cổ đi sâu nghiên cứu về kiến trúc cổ Việt Nam, văn minh Phật giáo ở phía bắc nước ta. Di tích chùa Cầu Cả nằm trong hệ thống chùa Lý – Trần, ven trục đường ĐT 190, kéo dài từ Cầu Cả đến chân Đèo Gà, xã Hòa Phú. Đây là vùng đất Phật giáo Lý – Trần tương đối phát triển, bao gồm chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, chùa Cầu Cả, chùa Nhùng…điều đó cho thấy đây là vùng đất trù phú, kinh tế phát triển, dân cư đông đúc và có giá trị quan trọng dưới thời Trần và Lê Sơ.

Đồng chí Nguyễn Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện trao Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Di tích khảo cổ chùa Cầu Cả, xã Yên Nguyên

Phát biểu tại Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Di tích khảo cổ chùa Cầu Cả, xã Yên Nguyên, đồng chí Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Đây là sự ghi nhận một công trình kiến trúc cổ được xây dựng vào thời Trần, thế kỷ 13, 14 trên địa bàn xã Yên Nguyên. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt việc quản lý, khai thác, phát huy giá trị lịch sử di tích chùa Cầu Cả, xã Yên Nguyên, đồng chí đề nghị: Đảng ủy xã Yên Nguyên chỉ đạo chính quyền và các tổ chức đoàn thể của xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thấy được di tích chùa Cầu Cả là di tích văn hóa và là tài sản vô giá, niềm tự hào của nhân dân trên địa bàn xã Yên Nguyên nói riêng và huyện Chiêm Hóa nói chung; UBND xã xây dựng kế hoạch từng bước phục dựng, tôn tạo di tích trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh phục vụ cho công tác phát triển du lịch trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích, không để xảy ra tình trạng di tích bị xâm hại…để từng bước kêu gọi đầu tư, phục dựng công trình xứng đáng với ý nghĩa lịch sử của di tích, phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân, góp phần phát triển kinh tế du lịch của địa phương.

Ông Trần Hữu Dương, Bí thư Đảng ủy xã Yên Nguyên cho biết: Chùa Cầu Cả trải qua thời gian đã bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn kè móng và một số di vật. Được công nhận là di tích cấp tỉnh sẽ là cơ sở pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị di tích tốt hơn. Đồng thời, là địa phương có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh và là xã được Đảng, Nhà nước 2 lần phong tặng Danh hiệu Anh hùng, Đảng bộ, chính quyền xã Yên Nguyên sẽ thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc quản lý, khai thác và bảo vệ, giữ gìn các di tích trên địa bàn; đồng thời sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn để làm sáng tỏ những thông tin về thành phần, cấu trúc chùa, trên cơ sở đó phục dựng lại ngôi chùa trở thành điểm sinh hoạt tâm linh của người dân và du khách thập phương; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho các các tầng lớp nhân dân, tiếp tục đoàn kết thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng với  truyền thống quê hương anh hùng./.

Tài Tùng – Huy Dương

Tin cùng chuyên mục