Lễ đón nhận Bằng di tích cấp tỉnh chùa Nhùng, thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú

Ngày 22/3, tại UBND xã Hòa Phú đã diễn ra Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích khảo cổ học Chùa Nhùng, thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú. Dự lễ đón nhận có đồng chí Nguyễn Hồng Hà, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin; lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND và đông đảo nhân dân trên địa bàn xã Hòa Phú.

Các đại biểu dự Lễ trao Bằng di tích cấp tỉnh chùa Nhùng, xã Hòa Phú

Chùa Nhùng, thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú được xây dựng vào thời nhà Lý (thế kỷ XI - XIII) và tồn tại đến giữa thế kỷ XIX. Đây là một trong các di tích chùa cổ có niên đại sớm nhất trên địa bàn các tỉnh miền núi phía bắc nước ta. Thời Lý, đạo Phật là Quốc giáo và phát triển đến các vùng sâu, vùng xa của đất nước. Nhà Lý đã dựa vào Phật giáo vừa nhằm mục đích giáo hóa, vừa thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, tạo thành một khối gắn kết bền vững từ đồng bằng đến miền núi để bảo vệ và xây dựng đất nước. Vì vậy, chùa Nhùng thời Lý không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong vùng mà còn giữ vai trò hun đúc tình đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số miền núi và đồng bào Kinh ở miền xuôi.

Đồng chí Nguyễn Hồng Hà, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện trao Bằng di tích cấp tỉnh chùa Nhùng

cho các đồng chí lãnh đạo xã Hòa Phú

Chùa Nhùng là một công trình kiến trúc có quy mô lớn, cấu trúc tương đối rõ rang và hiếm gặp trong hệ thống các kiến trúc cổ ở Việt Nam. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều các dấu tích kiến trúc quan trọng như: Vật liệu kiến trúc, đài sen, tượng Phật bằng đá xanh cùng với những đồ dung sinh hoạt, thờ cúng bằng sành, sứ, đất nung từ thế kỷ XI - XIII đến thế kỷ XV - XVI cũng được phát hiện với số lượng lớn. Đây là nguồn sử liệu quý giá, giúp các nhà khảo cổ học, cơ quan chuyên môn đi sâu vào nghiên cứu về kiến trúc cổ Việt Nam, tìm hiểu văn minh Phật giáo, văn minh thời Lý - Trần ở vùng núi phía Bắc nước ta. Đồng thời góp phần quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống về long tự hào đối với quê hương, đất nước cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mặt khác, cùng với chùa Bảo Ninh Sùng Phúc tại xã Yên Nguyên, sự tồn tại của chùa Nhùng trên mảnh đất Tuyên Quang góp phần khẳng định Phật giáo, văn hóa, văn minh Việt đã lan tỏa và bám rễ từ hơn 900 năm nay trên mảnh đất này. Đây là điều có ý nghĩa thực tiễn giúp các nhà quản lý hoạch định các chủ trương, biện pháp, sách lược phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa phù hợp, nhất là phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn huyện Chiêm Hóa nói chung theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI.

Đồng chí Nguyễn Hồng Hà, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại Buổi Lễ

Đến dự vào trao Bằng xếp hạng di tích khảo cổ học cấp tỉnh chùa Nhùng, xã Hòa Phú, đồng chí Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền và giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trên địa bàn xã thấy được di tích chùa Nhùng là niềm tự hào về truyền thống văn hóa của địa phương. Hàng năm, xã có kế hoạch trong việc quản lý, bảo vệ di tích, từng bước xây dựng kế hoạch khai thác các giá trị của di tích phục vụ cho công tác phát triển du lịch và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Đồng thời các đơn vị trường Phổ thông trên địa bàn xã phải sớm có kế hoạch gắn công tác giáo dục trong nhà trường với giáo dục ngoại khóa nhằm bảo vệ, tôn tạo di tích trong phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để thực hiện tốt việc quản lý, khai thác và phát huy giá trị của di tích trên địa bàn./.

 

                                                

Tài Tùng - Vi Cường

Tin cùng chuyên mục