Chiêm Hóa duy trì và phát triển các Câu lạc bộ hát then - đàn tính

Huyện Chiêm Hóa được coi là một trong những chiếc “nôi” nuôi dưỡng phong trào hát then trong tỉnh. Phong trào hát then được người dân trong huyện hưởng ứng mạnh mẽ và không ngừng phát triển. Đến nay, huyện đã có 44 Câu lạc bộ hát then - đàn tính ở các xã, thị trấn và trường học trong huyện.

Làn điệu then và cây đàn tính là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày, có nguồn gốc từ nghi lễ cúng bái, giải hạn, cầu mùa, cấp sắc… Đến nay, hát then đã trở thành một loại hình văn hóa biểu diễn trong các dịp lễ, tết, lễ hội truyền thống của đồng bào. Làn điệu then còn được chọn làm các tiết mục văn nghệ để tham gia các cuộc thi, hội diễn văn nghệ, thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân trong huyện.

 


Một tiết mục hát then trong Hội thi “Tiếng hát then Kim Bình” năm 2014 do
Huyện đoàn Chiêm Hóa tổ chức.

Tháng 12-2012, Nghi lễ Then của người Tày tỉnh Tuyên Quang đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Chính vì vậy, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy làn điệu hát then là nhiệm vụ mà các cấp, các ngành và nhân dân cần đặc biệt coi trọng. Ông Dương Nam Chí, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện cho biết, năm 2012, huyện đã thành lập được 6 câu lạc bộ hát then- đàn tính, trong đó có 1 câu lạc bộ của huyện với 12 thành viên là các hạt nhân ở các xã, thị trấn. Huyện đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền nhân rộng mô hình tại các địa phương, đơn vị và trường học; đưa hát then trở thành một trong những môn học ngoại khóa trong các nhà trường. Đến nay, toàn huyện đã có 44 Câu lạc bộ hát then - đàn tính, mỗi câu lạc bộ có từ 10-25 thành viên.
Nhằm nhân rộng các câu lạc bộ, thu hút nhiều người dân tham gia, tạo ra phong trào sâu rộng, huyện Chiêm Hóa đã hỗ trợ mỗi câu lạc bộ thành lập mới 5 triệu đồng đầu tư đàn tính để tập luyện. Còn lại kinh phí mua trang phục biểu diễn và các chi phí khác được các thành viên tự nguyện đóng góp. Ban đầu thành lập, các câu lạc bộ mời những người có khả năng, kinh nghiệm về hát then trong huyện tham gia tập huấn, truyền dạy cho các thành viên. Một số câu lạc bộ khác có sẵn những hạt nhân hát then đã tự truyền dạy cho nhau và tự tập luyện.
Trong số những câu lạc bộ hiện có của huyện Chiêm Hóa, Câu lạc bộ hát then - đàn tính thị trấn Vĩnh Lộc sinh hoạt đồng đều và rất hiệu quả. Thành lập từ tháng 8-2013, ban đầu câu lạc bộ có 10 thành viên. Đến nay, câu lạc bộ đã phát triển lên 14 thành viên với mọi lứa tuổi. Vào tối thứ 7 hàng tuần, các thành viên lại có mặt tại nhà văn hóa thị trấn để cùng nhau luyện tập, người thành thạo dạy cho người chưa biết. Cứ như vậy sau 1 năm, các thành viên trong câu lạc bộ đã thành thạo các ngón đàn và thuộc các làn điệu then. Anh Nguyễn Xuân Quang, cán bộ văn hóa - xã hội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát then - đàn tính thị trấn Vĩnh Lộc tiết lộ, ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị của thị trấn và huyện, câu lạc bộ còn tổ chức giao lưu với các câu lạc bộ bạn, tham gia các hội thi của huyện. 
Câu lạc bộ hát then - đàn tính xã Phúc Thịnh có 25 thành viên, đủ các thành phần và lứa tuổi, trong đó thành viên trẻ nhất là 14 tuổi. Vào các buổi chiều chủ nhật hàng tuần, câu lạc bộ duy trì tổ chức tập luyện. Chị Hoàng Thị Liên, thành viên câu lạc bộ chia sẻ, câu lạc bộ là một địa chỉ sinh hoạt văn hóa của xã. Ngoài việc duy trì nét văn hóa truyền thống của đồng bào, câu lạc bộ còn đem đến sự thư thái cho các thành viên khi tham gia sinh hoạt. 
Ngoài các câu lạc bộ ở các xã, thị trấn, các trường học trong huyện cũng thành lập và duy trì tốt các Câu lạc bộ hát then - đàn tính. Việc thành lập các câu lạc bộ trong trường học giúp học sinh có thêm hoạt động phụ trợ bổ ích, bổ sung kiến thức văn hóa.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Chiêm Hóa Dương Nam Chí khẳng định, trong thời gian tới, trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với các Câu lạc bộ hát then - đàn tính trong huyện để tiếp tục đẩy mạnh phong trào tập luyện, tuyên truyền để người dân tích cực tham gia. Đồng thời, tạo điều kiện cho thành viên câu lạc bộ tham gia các chương trình tập huấn, hội diễn, liên hoan văn hóa, văn nghệ ở các cấp để nâng cao trình độ, khả năng của các thành viên, góp phần gìn giữ di sản văn hóa của địa phương.    

 

Theo baotuyenquang.com.vn

Tin cùng chuyên mục