Chiêm Hóa bảo tồn hát then gắn với phát triển du lịch

Huyện Chiêm Hóa có tới hơn 40 câu lạc bộ hát then, đàn tính, dân ca, dân vũ. Câu then, tiếng đàn tính tẩu đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Hơn thế, huyện Chiêm Hóa đang xây dựng văn hóa Then của người Tày trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo.

Thôn An Thịnh, xã Tân An (Chiêm Hóa) là một trong những thôn đầu tiên của huyện thành lập được Câu lạc bộ hát then, đàn tính. Ngày chưa thành lập, cả thôn có một nhóm người biết hát then, chơi đàn tính. Họ tập hợp cả những người ở thôn khác cùng nhau tập luyện, truyền dạy những bài then và biểu diễn trong nhóm. Đến nay, riêng Câu lạc bộ hát then, đàn tính thôn An Thịnh đã có hơn 20 thành viên. Ở An Thịnh có nghệ nhân Hà Thuấn, người dành nhiều tâm huyết cho câu then, điệu đàn của người Tày Chiêm Hóa. Từ thành lập câu lạc bộ và duy trì sinh hoạt đều đặn, đến nay toàn xã Tân An đã có gần 100 người biết hát then, chơi đàn tính. Bất cứ dịp nào, xã tổ chức biểu diễn văn nghệ là số người biết hát then, chơi đàn tính ở trong xã lại đóng góp cho chương trình rất nhiều tiết mục phong phú. 

 


Nghệ nhân dân gian Hà Thuấn hướng dẫn hát then tại Câu lạc bộ hát Then,
đàn Tính xã Tân An (Chiêm Hóa).

Thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho thấy, toàn huyện có khoảng trên 1.200 người biết hát then, hơn 600 người biết chơi đàn tính. Toàn huyện thành lập được hơn 40 câu lạc bộ hát then, đàn tính, dân ca, dân vũ ở các xã, thị trấn, trường học và Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện. Việc duy trì các câu lạc bộ này khiến Chiêm Hóa là một trong những địa phương đi đầu trong toàn tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày.

Nói đến hát then của người Tày ở Tuyên Quang không thể không nhắc đến Chiêm Hóa. Then Chiêm Hóa được chọn tham gia các cuộc liên hoan văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc và nhiều hội thi cấp quốc gia khác. Năm 2010, lần đầu tiên huyện Chiêm Hóa tổ chức một sân chơi lớn cho những người hát then trong huyện bằng Đêm then, cọi - Giai điệu quê hương tại xã Tân An. Đến năm 2012, khi Nghi lễ then của dân tộc Tày Tuyên Quang được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, huyện Chiêm Hóa tiếp tục tổ chức Đêm then, cọi - Giai điệu quê hương ở xã Yên Nguyên. Năm 2013, một lần nữa những diễn viên quần chúng then, cọi tiếp tục được thể hiện tài năng tại Liên hoan Âm vang Bản Ba ở xã Trung Hà. Năm 2014, Chiêm Hóa đăng cai Liên hoan hát then, đàn tính toàn tỉnh và đoạt giải A.

Thế mạnh từ công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trong huyện khiến Chiêm Hóa có một sản phẩm du lịch đặc biệt. Đến nay, thôn An Thịnh, xã Tân An đã được quy hoạch để phát triển thành Làng văn hóa du lịch. Trong đó, lấy việc bảo tồn và phát huy các làn điệu then và văn hóa dân tộc Tày nơi đây làm cơ sở để phát triển du lịch. Trong chuyến khảo sát tiềm năng du lịch của huyện Chiêm Hóa mới đây, ông Nguyễn Hữu Bắc, Giám đốc Trung tâm Lữ hành Quốc tế TST Travel (thành phố Vinh - Nghệ An) rất ấn tượng với công tác bảo tồn và phát huy các làn điệu then của đồng bào dân tộc Tày trong huyện. Ông Bắc nhận định, đây sẽ là một tiềm năng lớn, một lợi thế lớn để Chiêm Hóa khai thác thế mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Điều quan trọng không phải là tạo môi trường diễn xướng cho hát then bằng những buổi giao lưu văn nghệ mà hơn cả là cơ sở để du khách đến khám phá, tìm hiểu và thưởng thức nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày. Hiện nay, du khách mới được tiếp cận với các làn điệu then thông qua các buổi biểu diễn trên sân khấu. Tuy nhiên, nếu trong tương lai, Chiêm Hóa phát triển được hình thức du lịch cộng đồng (homestay) thì hát then là một sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tổ chức cho người dân ở một số xã, các điểm du lịch trong huyện đi học tập kinh nghiệm và tổ chức tập huấn cho người dân làm du lịch cộng đồng. Trước hết là tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn và góp phần tôn tạo các di tích, các điểm du lịch và đặc biệt là gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Du lịch cộng đồng sẽ là một hướng đi mới của huyện Chiêm Hóa mà trước hết, cơ sở của nó là những nét đẹp văn hóa của nhân dân các dân tộc trong huyện. Hát then, đàn tính sẽ trở thành một sản phẩm thế mạnh để Chiêm Hóa đưa du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng nâng cao thu nhập cho nhân dân các dân tộc trong huyện.       

 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục