Người "truyền lửa" ở vùng chè Pà Thẻn

Mới nắng sớm mà mồ hôi đã rịn ra thấm đẫm lưng áo, nhưng gương mặt ai trên nương chè cũng hồ hởi, phấn khởi. Vừa nhanh tay hái những búp chè tươi, non xanh mơn mởn cho kịp mẻ xao, những người trồng chè ở thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú đang dần hiện thực hóa ước mơ xóa đói giảm nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Nhìn nương chè xanh ngát, trải dài trên nương đang phát triển trong nắng sớm, không ai nghĩ rằng chỉ cách đây mấy năm, đây là khu đồi tạp, thi thoảng xuất hiện một vài luống chè già đã cằn cỗi. Nhưng dưới đôi bàn tay của lão nông Tái Văn Cát cùng các con, mảnh đất đồi rộng gần 1 ha chè đang cho thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng mỗi năm. Là một trong những người đi tiên phong trồng chè trên mảnh đất Khuổi Hóp này, ông Cát cho biết,  được hỗ trợ nguồn vốn từ Chương trình 135 năm 2014 gia đình ông đã đưa cây chè vào trồng. Từ những luống chè nhỏ đầu tiên, ngày ngày ông cần mẫn tưới nước, chăm bón đến nay từng luống chè trải dài thẳng tắp đang vươn mình phát triển, đua nhau nẩy búp xanh mướt trong nắng và tràn đầy ánh sáng trên lưng đồi. Với trên 5.000m2 chè đã cho thu hoạch, mỗi tháng thu hái được 02 lứa chè, chè sau khi thu hái một phần được bán cho Hợp tác, một phần được gia đình tự xao lấy; giá trị kinh tế từ bán chè tươi và chè khô đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình ông.

Vườn ché xanh ngát của gia đình ông Tái Văn Cát, Khuổi Hóp, xã Linh Phú.

    Thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ cây chè, ông Tái Văn Cát đã tích cực tuyên truyền, vận động con cháu và các hộ dân trong thôn Khuổi Hóp phát triển trồng chè. Ông Cát cho biết, lúc đầu nhiều hộ dân còn hoài nghi về hiệu quả kinh tế mang lại từ cây chè bởi bao năm nay, người Pà Thẻn nơi đây chỉ trồng vài luống phục vụ cho nhu cầu hàng ngày; hơn nữa cuộc sống của người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất lúa nước 2 vụ, chăn nuôi lợn, gà với quy mô nhỏ...nên tư duy mở rộng phát triển sản xuất còn là điều xa vời với nhiều hộ dân. Song với sự quyết tâm, ông Cát cùng gia đình đẩy mạnh phát triển cây chè chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa giống chè mới vào trồng...đã mang lại hiệu quả thiết thực để minh chứng cho bà con thấy. Dần dần, nhiều hộ dân đã mạnh dạn học và làm theo ông. Nhất là từ năm 2014 đến năm 2018, khi có nguồn vốn 135, một số hộ dân trong thôn được đầu tư vốn, tập huấn kỹ thuật, ông Cát cũng là một trong những hộ đầu tiên mở rộng phát triển diện tích chè của gia đình, vận động các hộ trong thôn trồng và chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Từ vài nghìn m2 giống chè cằn cỗi, đến nay, với sự đầu tư của Nhà nước, sự tuyên truyền, vận động tích cực của ông Tái Văn Cát, toàn thôn đã có trên 30 ha chè, trong đó có trên 15 ha đã cho thu hái, năng suất ước đạt 50 tạ/ha. Đặc biệt, cây Chè của người Pà Thẻn, thôn Khuổi Hóp là tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, không phun thuốc diệt cỏ, từ việc trồng đến chăm sóc cây chè, thu hái chè, xao chè đều được nhân dân làm thủ công. Có thể nói, cây chè rất phù hợp với chất đất ở thôn Khuổi Hóp nói riêng và xã Linh Phú nói chung, cũng chính nhờ có chất đất riêng có của nó, cộng với thời tiết ôn hòa mà chè Pà Thẻn sản xuất ra luôn có hương thơm dịu nhẹ, nước chè xanh mát. 

Ông Tái Văn Cát hướng dẫn người dân cách xao chè đảm bảo hương vị của chè Pà Thẻn.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong xây dựng mô hình “Dân vận khéo” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền xã Linh Phú đã xây dựng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong công tác vận động nhân dân, nhằm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về cốt cán, người có uy tín. Chính vì vậy, bằng những việc làm thực tế, kinh nghiệm và uy tín của mình, ông Tái Văn Cát thực sự phát huy vai trò là “cầu nối” giữa nhân dân với Đảng, chính quyền, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Từ một thôn có 41 hộ dân, 100% đồng bào là người dân tộc thiểu số Pà Thẻn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, nhưng nhờ có cây chè, sự hoạt động tích cực của ông Cát mà đến nay cuộc sống của người dân nơi đây đã dần ổn định và ngày càng no đủ, sung túc hơn.

Từ sự quyết tâm, tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất, ông Tái Văn Cát, thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong việc tập hợp, đoàn kết nhân dân ở khu dân cư, thực sự là “người truyền lửa”, sự nhiệt huyết cho bà con dân tộc Pà Thẻn ngày càng vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Tài Tùng - Văn Linh

Tin cùng chuyên mục