Khai báo y tế điện tử: Vẫn ít người dùng

Thực hiện khai báo y tế điện tử là giải pháp công nghệ cần sự hợp tác của người dân để chung tay đẩy lùi dịch Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng điện thoại thông minh có cài đặt và sử dụng phần mềm này lại rất thấp.

Chỉ gần 29% người dân có điện thoại thông minh cài ứng dụng Bluezone

Bluezone là ứng dụng do Bộ Thông tin – Truyền thông và Bộ Y tế triển khai với mục đích bảo vệ cộng đồng trước đại dịch Covid-19, giảm thiểu các nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ứng dụng này sử dụng công nghệ bluetooth (chỉ tiêu tốn khoảng 10% pin điện thoại/ngày) nhằm ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại di động thông minh cùng cài đặt và sử dụng ứng dụng. Bluezone sẽ cảnh báo nếu người dùng có tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc người đã từng tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm.

Người nhà bệnh nhân thực hiện khai báo y tế điện tử tại Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 17-7, số lượng người dân trong tỉnh cài đặt ứng dụng Bluezone tính theo số điện thoại là 138.064, đạt 17,6% trên tổng dân số và chỉ đạt gần 29% trên tổng số người sử dụng điện thoại thông minh trên toàn tỉnh. Trong đó, các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang có tỷ lệ từ 26% đến 44%; các địa phương còn lại là Lâm Bình, Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa có tỷ lệ dưới 24%.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, sở dĩ, tỷ lệ người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone nói riêng và một số ứng dụng khác trên địa bàn tỉnh thấp là do số lượng người dân dùng điện thoại thông minh chiếm tỷ lệ thấp, kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh như thao tác bật Bluetooth, wifi hay 3G, 4G còn hạn chế. Cùng với đó, còn nhiều người nghi ngại, chưa hiểu rõ về ứng dụng nên lo lắng về tính bảo mật thông tin, ngại khi phải điền các thông tin.

Thay đổi từ nhận thức

Để công tác phòng chống dịch hiệu quả, việc sử dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch được tỉnh xác định là một trong những giải pháp cấp bách, trong đó có khai báo y tế điện tử. UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế điện tử qua mã QR Code.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều nơi như: , doanh nghiệp, cơ sở y tế, các chốt ra vào, bến xe, siêu thị… đã triển khai việc đăng ký và nhận mã QR Code của các ứng dụng khai báo y tế điện tử như Bluezone, Ncovi, Vietnam Health Declaration.

Bác sỹ Trịnh Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bên cạnh thực hiện khai báo y tế bằng giấy, việc sử dụng mã QR Code đã và đang được bệnh viện triển khai. 100% cán bộ, nhân viên đều cái đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế điện tử hàng ngày. Bệnh viện cũng sắp xếp nhân viên tại 2 cổng ra vào bệnh viện để hỗ trợ người dân điền thông tin ứng dụng trên điện thoại, qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi ra vào khám chữa bệnh.

Đoàn viên thanh niên thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) hỗ trợ người dân cải đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế điện tử.

Chị Nguyễn Thị Thanh Mai, Chủ tịch Công đoàn, Công ty TNHH MTV MSA- YB chia sẻ, công ty có số lượng lao động rất lớn nên việc tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế luôn được chú trọng. Trong đó, công ty đặc biệt yêu cầu cán bộ, người lao động có sử dụng điện thoại thông minh đều phải khai báo y tế điện tử khi ra vào công ty để đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất cũng như thời gian làm việc.

Còn tại trụ sở nhiều cơ quan, đơn vị, bảng mã QR Code được bố trí ngay từ cửa ra vào để phục vụ công tác phòng chống dịch, kèm theo đó là nước rửa tay để phục vụ cán bộ, nhân viên, người dân đến làm việc và giao dịch. Tuy nhiên, vẫn còn có hiện tượng một số người chủ quan, lờ là, chưa thực hiện nghiêm việc khai báo y tế điện tử.

Việc khai báo y tế điện tử thuận tiện hơn hẳn so với tờ khai y tế bằng giấy. Nếu dùng tờ khai bằng giấy thì mỗi lần đi đến các điểm công cộng, người dân lại phải viết thông tin trước đó gây mất thời gian, ùn tắc. Công tác khai báo cũng không hiệu quả vì khó khăn khi cần truy vết, tìm kiếm thông tin. Còn với ứng dụng QR Code, khi truy vết, cơ quan chức năng chỉ cần gõ tên và số điện thoại.

Anh Nông Tiến Duy, Trưởng chốt Kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 xã Sơn Nam (Sơn Dương) cho biết, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe qua lại tại chốt. Để đảm bảo việc kiểm soát người vào địa bàn tỉnh, chốt có 40 người thuộc các lực lượng khác nhau cùng tham gia kiểm soát. Thực tế cho thấy, nếu người dân thực hiện khai báo y tế bằng giấy tại chốt sẽ gây mất thời gian vì phải chờ đợi, xếp hàng, đặc biệt vào những ngày cuối tuần, sau đó, tổ công tác vẫn phải nhập lại dữ liệu vào máy tính. Vì vậy, với những người không đi từ vùng dịch về, chúng tôi khuyến khích cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế điện tử, vừa tiết kiệm thời gian cho người dân, vừa tránh được ùn tắc trên tuyến quốc lộ.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Hiến, để công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế điện tử. Từ đó, góp phần quan trọng thay đổi nhận thức và thói quen của mỗi người dân.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục