Độc đáo Tết Quá chi của người Pà Thẻn

Cứ mỗi độ xuân về, khi những cơn mưa phùn lất phất bay trong tiết trời se lạnh, hoa đào, hoa mận khoe sắc trên khắp các triền núi, đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở xã Linh Phú lại nô nức chuẩn bị đón ngày tết lớn nhất của năm.

Từ sớm tinh mơ, thanh niên giúp mổ lợn, chị em giúp đồ xôi, rót rượu gạo cho đầy chai… trong không khí ngày xuân ấm áp rộn ràng.

Dân tộc Pà Thẻn gọi tết Nguyên đán là Tết Quá chi. Người Pà Thẻn thường bắt đầu ăn tết Quá chi từ ngày 25 tháng Chạp đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm sau. Đây là lễ tết lớn nhất trong năm của người Pà Thẻn nên các gia đình đều nuôi lợn tết từ rất sớm (khoảng tháng 6, tháng 7, thậm trí ngay từ đầu năm). Sang đầu tháng Chạp, các gia đình đã chuẩn bị nấu rượu men lá, lấy củi đuốc...để đun nấu trong những ngày tết. Ngày 25 tháng Chạp, các gia đình bắt đầu mổ lợn làm cỗ để mời tổ tiên về ăn tết, mời anh em, họ hàng đến ăn cỗ. Người Pà Thẻn có tục lệ xôi cơm rồi giã thành bánh dầy (gu tộ). Bánh được bày lên để mời thần thánh và tổ tiên. Theo quan niệm của người Pà Thẻn, bánh dầy sẽ được bày lên ban thời từ ngày 29 tết đến hết tháng giêng, nếu bánh lên nấm có màu đỏ, vàng, xanh thì năm đấy gia đình làm ăn sẽ được thuận lợi hơn.

Sáng ngày 30 tết, các gia đình đều cúng tổ tiên, lễ vật gồm: Gà sống 3 con, có một chai rượu, hương, giấy tiền vàng. Thầy cúng tiến hành làm lễ cúng cho gia đình, tạ ơn một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no, cầu cho một năm mới không bị ốm đau, bệnh tật, không có tai nạn, mọi sự an lành, con cháu học hành chăm ngoan.

Cộng đồng người Pà Thẻn luôn đoàn kết, trong những ngày tết cổ truyền anh em trong dòng họ sẽ tổ chức ăn tết theo từng nhà, nhà nào cũng có đông đủ anh em họ hàng đến quây quần chung vui.

Theo quan niệm của người Pà Thẻn, sau tết Quá chi, người Pà Thẻn chọn ngày sửu là ngày đi làm của năm mới, đồng bào quan niệm ngày sửu là ngày khỏe mạnh, chọn ngày này để khởi đầu một năm mới cho con người sức khỏe, mùa màng bội thu./.

Hồng Nhung

Tin cùng chuyên mục