Chuyện về người con hiếu thảo

Trong cuộc sống thường ngày ở huyện vùng cao Chiêm Hóa đã xuất hiện không ít những tấm gương điển hình về lòng hiếu thảo của những người con đang hàng ngày phụng dưỡng, chăm lo cho sức khỏe của cha mẹ, nhất là khi trái gió trở trời. Anh Tống Văn Tiến, 47 tuổi ở thôn Nà Trình xã Minh Quang là một trong số những người con hiếu thảo như thế. Suốt hơn 20 năm qua anh Tiến đã dành phần lớn thời gian để chăm sóc mẹ già gần 80 tuổi bị liệt.

Anh tiến chăm sóc mẹ già bị bệnh đã nhiều năm.

  Sinh ra trong một gia đình có hai anh em, cha của anh Tiến đi bộ đội biền biệt suốt những năm tháng chiến tranh. Năm 1978, cha xuất ngũ và tiếp tục công tác trong Quân đội tại tỉnh Lào Cai cho đến khi nghỉ hưu mới trở về quê hương. Là con cả trong gia đình, thương cha mẹ và em gái vất vả lo toan cho gia đình, nên ngay sau khi học xong lớp 8/10, anh Tiến không đi học chuyên nghiệp mà quyết định ở nhà phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng, chăn nuôi. Cuộc sống cứ thế êm trôi cho đến năm 1996, mẹ anh là bà Ma Thị Thái mắc bệnh hiểm nghèo, mặc dù được gia đình, chồng con hết lòng chạy chữa nhưng bệnh của bà không những không thuyên giảm mà ngày một nặng thêm dẫn đến bị liệt toàn thân. Năm 2012, cha anh Tiến cũng không may bị u não cần phải can thiệp phẫu thuật; sau phẫu thuật sức khỏe hồi phục được một thời thời gian ngắn, bệnh cũ của cha anh Tiến tái phát và ông đã qua đời vào tháng 3/2013. Nỗi đau mất cha, mẹ già mang bệnh trọng, các con anh còn nhỏ đang độ tuổi ăn học, kinh tế gia đình eo hẹp tưởng chừng như anh Tiến không thể gắng gượng được. Nhưng nhờ có sự đông viên kịp thời của anh em dòng họ, bà con trong khu dân cư, đặc biệt là có sự hậu thuẫn của người vợ ngoan hiền, đảm đang nên anh Tiến đã cố gắng vượt qua. Anh Tiến cho biết: Từ ngày về làm dâu, chị Ma Thị Hòa vợ anh đã luôn kề vai sát cánh cùng anh khắc phục mọi khó khăn. Chị cùng anh vừa một tay chăm lo miếng ăn, giấc ngủ bố mẹ chồng đau ốm quanh năm, vừa lo cùng chồng làm ăn phát triển kinh tế. Gần 30 năm chung sống, vất vả kể khôn xiết, thế nhưng vợ anh chưa một lần oán than, ngược lại còn cảm thấy hạnh phúc khi được tự tay chăm sóc cho người thân.

Chia sẻ với chúng tôi, Anh Tiến cho biết thêm: sau khi cha anh mất đi, bệnh tình của mẹ anh lại càng nặng hơn, người em gái duy nhất của anh đi lấy chồng tuy gần nhà nhưng phận làm dâu nhưng thi thoảng mới về thăm mẹ. Nhớ lời cha dặn trước lúc lâm trung phải thay cha lo toan, gánh vác công việc nhà và phụng dưỡng, làm tròn chữ hiếu với mẹ. Chính vì thế, ngoài công việc đồng áng, chăn nuôi… hai vợ chồng anh Tiến luôn cận kề chăm sóc cho mẹ từ việc tắm rửa, vệ sinh cho mẹ đến từng bữa ăn, giấc ngủ… Theo anh Tiến, mẹ anh cả đời hy sinh cho gia đình, con cái vì vậy phận làm con phải phụng dưỡng, chăm sóc để  mẹ được sống vui lúc tuổi già. Trước đây khi còn trẻ, anh Tiến cũng muốn được đi học chuyên nghiệp, nhưng hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ quá ngặt nghèo, nên ước mơ của anh đành gác lại, để dành hết thời gian cho gia đình, ở bên cha mẹ, chăm sóc cho cha mẹ, anh không hề hối tiếc, bởi “còn cha, còn mẹ thì hơn”.

Xưởng mộc của gia đình.

Nhận xét về anh Tiến, ông Tống Văn Bẩy, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Trình xã Minh Quang cho biết : Để đảm bảo cho cuộc sống gia đình, vợ chồng anh Tiến vừa lo chăm sóc cho mẹ vừa lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy các con ăn học. Ngoài gieo cấy 3.000m2 lúa, trồng lạc trên 1.000m2/vụ, mỗi năm gia đình anh Tiến còn xuất bán 2 lứa lợn thịt, trồng trên 500m2 mía ta để phục vụ cho các quán giải khát trong thôn, trong xã. Ngoài ra, với đôi bàn tay khéo léo của mình, anh Tiến còn mở thêm xưởng mộc chuyên đóng bán ghế, giường tủ, tư liệu sản xuất… cho bà con trong vùng, bình quân mỗi năm gia đình anh cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng. Hiện tại, 2 người con gái của anh đều đã học xong Đại học và có việc làm ổn định, người con trai của anh đang tham gia đóng quân tại Sơn Tây-Hà Nội. Trong gia đình, anh Tiến là người con hiếu thảo với cha mẹ, là người chồng chung thủy với vợ anh và là người cha mẫu mực với các con của anh. Đối với khu dân cư, anh Tiến luôn sống chan hòa, thân thiện với mọi người và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn. Tháng 7 năm 2018 vừa qua, anh Tiến được nhân dân trong thôn tìn nhiệm bầu làm Trưởng Ban công tác Mặt trận và là người người có uy tín trong khu dân cư.

Thiết nghĩ, trước sự tác động của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống trong gia đình càng trở nên quan trọng. Các phong trào “Gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” của các cấp Hội Người cao tuổi, hoạt động “Chăm sóc phụng dưỡng ông bà cha mẹ’’ của Đoàn Thanh niên; “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”, các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và thực hiện bình đẳng giới trong gia đình của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, cần được triển khai và thực hiện có hiệu quả. Thông qua các phong trào, cuộc vận động, hoạt động, cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu và trân trọng giá trị truyền thống của gia đình. Từ đó, biết kính trên, nhường dưới, lễ phép với ông bà, cha mẹ, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ chu đáo hơn và xuất hiện ngày càng nhiều hơn những tấm gương về lòng hiếu thảo như anh Tiến./.

 

 

 

Hải Hà-Quang Huy

Tin cùng chuyên mục