Chiêm Hoá- Để người dân không quay lưng với thịt lợn trước dịch tả lợn Châu Phi

Hiện nay, diễn biến tình hình dịch tả lợn châu Phi ở nước ta không chỉ riêng người chăn nuôi lợn theo dõi mà người tiêu dùng cũng rất quan tâm. Huyện Chiêm Hoá cũng đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch tả lợn nhằm ứng phó kịp thời. Tổ chức tuyên truyền để người dân và cộng đồng hiểu rõ hơn mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn Châu Phi và chủ động thực hiện phòng chống, không để người dân hoang mang, không tẩy chay, quay lưng với các sản phẩm từ lợn và thịt lợn, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện.

Quầy bán thịt lợn của bà Đoàn Thị Soạn tại chợ trung tâm huyện.

Bà Đoàn Thị Soạn, một chủ hàng bán thịt lợn tại chợ trung tâm huyện cho biết: Nhiều ngày qua bản thân bà cũng theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng và hiểu rất rõ về dịch bệnh tả lợn Châu Phi, mức độ nguy hiểm của loại bệnh này. Để người tiêu dùng sử dụng thịt sạch, an toàn bà đã lực chọn mua tại cơ sở có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được các cơ quan kiểm dịch của huyện kiểm dịch mới bày bán ra thị trường. Mặc dù lượng bán có ít đi so với hồi chưa xảy ra dịch bệnh ở nhiều tỉnh thành trong cả nước nhưng các khách hàng quen của bà vẫn ăn thịt lợn bình thường. Một gian hàng khác cũng bày bán thịt lợn tại chợ Trung tâm huyện, Bà Nguyễn Thị Loan đã có thâm niên bán thịt lợn trên 10  năm cho biết: Từ ngày bán thịt chưa gặp tình trạng này bao giờ. Những ngày qua, Thịt lợn đã được kiểm dịch rồi, giá rẻ hơn so với trước, đảm bảo an toàn thực phẩm, thế nhưng người mua thì tâm lý vẫn lo sợ, nên lượng mua ngày càng ít đi. Ví dụ như trước đây bán được khoảng 50- 70 kg thịt thì giờ có vài chục kg những hôm 10kg mà cũng không bán hết được. Bà Loan cũng như các hộ kinh doanh thịt lợn tại chợ  mong rằng các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu, để các hộ kinh doanh như bà buôn bán dễ dàng hơn”.

Là người tiêu dùng, trước thông tin diễn biến tình hình dịch tả lợn Châu Phi đã lan ra 18 tỉnh thành trong cả nước, chị Nguyễn Thị Ngân, tổ Phúc Hương 1 thị trấn Vĩnh Lộc vẫn lựa chọn thịt lợn là thực phẩm chính trong bữa ăn gia đình. Bằng cách chị chỉ mua thịt của người quen, bán hàng lâu năm tại chợ và chị cũng hi vọng những người tiêu dùng khác không nên quay lưng với thịt lợn bởi dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người, hơn nữa ai cũng có thể phân biệt được rõ ràng thịt lợn nào ngon, thịt lợn nào không ngon. Bản thân chị Ngân thấy cơ quan chức năng vào cuộc rất chặt chẽ, kiểm soát nghiêm ngặt không cho lợn ở vùng dịch vào địa bàn huyện nên gia đình tôi vẫn dùng thịt lợn bình thường. Còn với hộ chăn nuôi như gia đình anh Ma Văn Sóng, thôn Rõm, xã Hùng Mỹ thường xuyên nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh trên đàn lợn qua các hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là dịch lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ thú y cơ sở, gia đình anh thường xuyên chăm sóc đàn lợn từ khâu tiêu độc khử trùng cho đến vệ sinh chuồng trại.

UBND huyện cũng đã ra các công văn, kế hoạch phòng chống dịch bệnh, tổ chức thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các biện pháp xử lý đối với động vật nghi mắc bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nghiêm cấm vứt xác lợn chết ra môi trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định về bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh động vật. Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi, kịp thời phát hiện, xử lý nhanh khi có ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan rộng; nghiêm cấm không được giấu dịch. Huyện Chiêm Hoá kiên quyết thực hiện theo tinh thần “5 không” của Luật Thú y: “Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển động vật bệnh chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt động vật bệnh chết; không vứt động vật chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa khi chưa qua xử lý nhiệt” nhằm đảm bảo an toàn cho đàn lợn trên địa bàn.

Với sự vào cuộc quyết liệt từ huyện đến cơ sở về công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi của huyện Chiêm Hoá. Do đó, người dân hãy yên tâm khi sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn tại các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Người tiêu dùng cũng nên mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như: nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh…

                                                                                      

Ngọc Hiển

Tin cùng chuyên mục