Sẵn sàng cho Ngày Văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội

Ngày Văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội sẽ được tổ chức từ 30-8 đến 01-9 nhằm giới thiệu với nhân dân Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế về hình ảnh, miền đất, con người và các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh. Đồng thời, là dịp để Tuyên Quang tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư phát triển du lịch. Đây cũng là điểm nhấn để giới thiệu và mời gọi du khách đến với Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 sắp diễn ra tại tỉnh.

Trung thu ở Tuyên Quang được người dân trong và ngoài nước biết đến bởi có những mô hình con giống khổng lồ. Ảnh: D.L

Các hoạt động của Ngày Văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội sẽ được tổ chức tại Sân khấu không gian Nhà Bát Giác (sau Tượng đài Lý Thái Tổ), quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Trong đó, sẽ diễn ra các hoạt động chính như: Triển lãm ảnh “Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến”; trình diễn văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Tuyên Quang (bao gồm nghề dệt truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, thêu khăn của dân tộc Dao Tiền, Dao Đỏ; trích đoạn các nghi lễ truyền thống, đám cưới, nghi lễ hát Then (dân tộc Tày); nghi lễ cấp sắc, đám cưới dân tộc Dao Đỏ; múa khai lộ, múa khai đèn, múa chim gâu dân tộc Cao Lan; trình diễn trang phục (dân tộc Tày, Dao, Cao Lan); trình diễn, giới thiệu quy trình, cách chế biến ẩm thực tiêu biểu như: Xôi ngũ sắc, bánh gai, bánh dày (dân tộc Tày), bánh chim gâu (dân tộc Cao Lan). Đặc biệt trong dịp này, nhân dân và du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng 2 mô hình đèn Trung thu “Truyền thuyết Thánh Gióng” và “Rồng vàng” vô cùng độc đáo, đặc sắc.


Nhân dân tổ 2 phường Tân Quang (TP Tuyên Quang ) đang hoàn thiện mô hình "Truyền thuyết Thánh Gióng" để rước diễu tại Hà Nội.

Mấy ngày nay, tại Nhà văn hóa xã Đại Phú (Sơn Dương) luôn rộn ràng những câu giao duyên của người Cao Lan, bởi các thành viên của đội văn nghệ đang tập trung tập luyện hát, múa… Tốp nghệ nhân người dân tộc Cao Lan của xã tham gia Ngày hội văn hóa sẽ thể hiện 3 tiết mục gồm: Trình diễn trang phục dân tộc Cao Lan, múa kiếm, múa khai đèn. Nghệ nhân ưu tú Sầm Văn Dừn, thôn Mãn Hóa, người chịu trách nhiệm tập hợp, đôn đốc mọi người tập luyện cho biết, các trích đoạn, trình diễn trang phục của đội tham gia ngày hội thể hiện đúng bản sắc, mô phỏng khái quát và sinh động đặc trưng văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Cao Lan. Mọi người đều hăng say tập luyện và chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ mang theo như trống sành, trống con, chũm choẹ… Ai cũng phấn khởi khi được đại diện tham gia Ngày Văn hóa của tỉnh tại Hà Nội”.


Các nghệ nhân người dân tộc Cao Lan, xã Đại Phú(Sơn Dương) đang tích cực tập luyện tiết mục múa Khai đèn để tham gia Ngày Văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội.

Bà Là Thị Toán, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) tham gia trình diễn dệt thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn chia sẻ: “Tuy đã nhiều lần tham gia dệt thổ cẩm tại các lễ hội, nhưng bà vẫn thấy rất hồi hộp. Tham gia lần này, bà sẽ dệt 1 mảnh vải đặc trưng của đồng bào dân tộc Pà Thẻn với màu chủ đạo là đỏ. Hy vọng sản phẩm sẽ đẹp mắt và tạo ấn tượng để quảng bá đến du khách nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Pà Thẻn”. 

Ngày văn hóa Tuyên Quang sẽ tổ chức diễn diễu 2 mô hình đèn Trung thu khổng lồ. UBND TP Tuyên Quang đã chọn 2 mô hình, gồm mô hình đèn Trung thu “Truyền thuyết Thánh Gióng” và “Rồng vàng” vô cùng độc đáo, đặc sắc để người dân thủ đô và du khách chiêm ngưỡng. Đồng thời, đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá mời gọi về Lễ hội Thành Tuyên đến với du khách gần xa.

Bà Khương Thị Tươi, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ 2, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) nói, đã thành thông lệ nhiều năm nay tổ bà đều làm mô hình để tham gia rước diễu tại Lễ hội Thành Tuyên và luôn giành được giải cao. Năm nay, tổ bà làm mô hình “Truyền thuyết Thánh Gióng” và rất vinh dự đã được lựa chọn là 1 trong 2 mô hình được diễn diễu trong Ngày Văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội. Trong quá trình làm đèn Trung thu, tổ đã nhận được sự ủng hộ và tham gia tích cực của người dân. Nhờ vậy, đến nay mô hình đã gần hoàn thiện để có thể tham gia diễn diễu tại Hà Nội. Mô hình “Truyền thuyết Thánh Gióng” có ý nghĩa sâu sắc, nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông ta. 

Theo anh Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Ngày Văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội cơ bản đã hoàn tất, mọi thứ đã sẵn sàng. Với sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng, tin chắc rằng Ngày Văn hóa sẽ tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách về con người và mảnh đất xứ Tuyên giàu bản sắc về Lễ hội Trung thu độc đáo.       

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục