Phát triển nghề thêu ở Bản Biến

Đến thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) ngoài ấn tượng với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ, du khách còn thích thú với những bộ trang phục Dao truyền thống cùng các họa tiết được thêu tỷ mỷ từ đôi bàn tay của người phụ nữ nơi đây.

Đồng bào dân tộc Dao Đỏ, thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) với nghề thêu truyền thống.

Bà Trương Thị Khách là một trong những người gắn bó với nghề thêu ở thôn. Năm nay, bà đã ngoài 70 tuổi nhưng hàng ngày vẫn cần mẫn với những mũi thêu. Bà tâm sự: “7 tuổi bà đã được mẹ dạy thêu. Những mũi thêu đã trở nên thân thuộc với bà như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Trước còn trẻ, ngoài những lúc làm việc đồng áng bà lại tranh thủ thêu để may đồ cho gia đình. Giờ có tuổi, các con không cho làm gì nên bà có nhiều thời gian để thêu hơn. Bà cũng dạy thêu cho con dâu và cháu để giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc”.

Để hoàn thiện phần thêu của một bộ quần áo truyền thống đồng bào dân tộc Dao, người làm quen tay cũng mất gần 1 năm. Tuy mất nhiều thời gian, nhưng hầu hết phụ nữ trong thôn đều biết thêu để trước tiên có thể tự may được bộ trang phục cho mình, sau đó mới may cho các con hay người thân. Họ tranh thủ những lúc nông nhàn, ngồi quây quần với nhau vừa thêu, vừa học hỏi kinh nghiệm để những sản phẩm thêm hoàn hảo. Các sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu gia đình, mà còn được người dân bán để có thêm thu nhập. Chị Triệu Thị Thu cho biết, người dân trong thôn vẫn giữ thói quen tự thêu, may trang phục cho mình. Vì thế nghề thêu ngày càng phát triển. Nhiều du khách đến với Bản Biến, sau khi tham quan, khám phá các địa điểm nổi tiếng thường ghé lại thăm và thích thú với những họa tiết thêu trên trang phục. Nhiều người đã hỏi mua những chiếc khăn đội đầu, những chiếc túi nhỏ xinh để làm kỷ niệm. Có khách còn đặt mua cả một bộ trang phục.

Anh Nguyễn Quang Huy, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, qua giới thiệu của người quen anh và 3 người bạn đã đến thôn Bản Biến để trải nghiệm. Anh thật sự thích thú với các hang động, thác nước, núi đá và khí hậu nơi đây. Ngoài ra, anh đã đến thăm nhà của người dân bản địa, cuộc sống của họ cũng có nhiều điều làm anh chú ý. Đặc biệt, hình ảnh những người phụ nữ Dao Đỏ, mặc trang phục truyền thống, ngồi thêu bên khung cửa đã để lại ấn tượng mạnh đối với anh. Anh đã mua 1 chiếc khăn quàng cổ, 1 chiếc túi nhỏ để làm quà cho người thân. 

Hiện nay, huyện Chiêm Hóa đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Để hoàn thành mục tiêu đó, các địa phương đang tập trung khai thác những giá trị văn hóa, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Ông Chẩu Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sơn nói, thôn Bản Biến có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Vì vậy, huyện, xã đang tập trung khai thác các thế mạnh đó. Nhận thấy khách du lịch đến với Bản Biến khá ấn tượng, thích thú với những họa tiết thêu trên trang phục truyền thống của người Dao, người dân địa phương đã tạo điều kiện cho du khách có dịp trải nghiệm, hướng dẫn du khách tự thêu những họa tiết đơn giản làm kỷ niệm. 

Thời gian tới, xã sẽ huy động người dân thêu nhiều sản phẩm đặc trưng để làm đồ lưu niệm bán cho du khách. Đây sẽ là cơ hội tốt để phát triển du lịch ở địa phương, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục