Người truyền “lửa” ở Búng Pẩu

Anh Lương Văn Ấu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Búng Pẩu, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) không chỉ là đảng viên miệng nói, tay làm mà còn là người truyền “lửa” cho các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Bí thư miệng nói, tay làm

Hẹn với Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lương Văn Ấu, chúng tôi lên thôn Búng Pẩu vào một ngày tháng 7, trời nắng như thiêu. Con đường bê tông từ Trung tâm xã đến thôn được hạ nhiệt bởi những vườn mía xanh ngút ngàn hai bên đường. Trước khi lên Búng Pẩu, chúng tôi đã được nghe đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Chẩu Thanh Tùng hết lời khen ngợi về anh, một Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn trẻ tuổi hăng hái, nhiệt tình, luôn đầu tàu trong các phong trào của thôn, xã, được bà con dân tộc Mông, Tày, Dao… yêu quý, tin tưởng càng khiến chúng tôi tò mò.

Ông Tùng bảo, khi còn làm Bí thư Chi đoàn thôn, anh Ấu đã thể hiện rõ là một thủ lĩnh năng động, trách nhiệm với công việc chung. Khi được giao nhiệm vụ, anh không những cố gắng hoàn thành, mà còn hoàn thành rất tốt. Đến nay, anh đã đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn gần 3 nhiệm kỳ. Để bà con hiểu hơn về chính sách của Đảng, Nhà nước, anh đến từng nhà dân để trò chuyện kết hợp hướng dẫn bà con cách làm kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Mỗi khi nhà bà con có việc, anh lại nhiệt tình giúp đỡ, không nề hà thời gian... Những việc làm đó diễn ra hằng ngày, người dân trong thôn đã quen với hình ảnh bí thư chi bộ “miệng nói tay làm” này.

Anh Lương Văn Ấu cùng cán bộ khuyến nông xã, thôn kiểm tra sâu bệnh cây mía.

Búng Pẩu là thôn đặc biệt khó khăn của xã Phúc Sơn. Đường giao thông trong thôn phần lớn là đường đất. 90% số hộ trong thôn là hộ nghèo. Để nâng cao đời sống cần phải có đường giao thông thuận tiện. Năm 2013, Búng Pẩu có chủ trương bê tông hóa 350 m đường giao thông. Công việc dân vận ở một thôn vùng sâu, vùng xa, lại nhiều hộ nghèo vốn không dễ dàng. Có một số hộ chưa thông chủ trương đã phản đối, Bí thư Ấu phải đến từng nhà tuyên truyền, giải thích.

Ngoài việc tích cực vận động bà con, bản thân anh tiên phong đóng góp trước để bà con học tập theo. Sự tận tình của anh đã được nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ. Từ 350 m đường giao thông đầu tiên, đến nay, thôn đã bê tông hóa được hơn 1,1 km, xây dựng gần 150 m bờ rào nhà văn hóa và đóng góp hơn 45 khối đá hộc xây dựng cầu qua suối. Hiện nay, 75% đường giao thông trong thôn đã được bê tông hóa. 

Thành công từ việc bê tông hóa đường giao thông, anh tiếp tục vận động bà con mở rộng những tuyến đường còn chật hẹp trong thôn. Trước đây, con đường Noong Khon từ khu dân cư ra sân thể thao chỉ là đường mòn, lối đi chỉ bằng sải tay của một người lớn. Hai bên đường là ruộng, vườn mía của bà con nhân dân. “Tôi nói với bà con cần phải mở rộng con đường này, chứ mỗi mùa vụ thu hoạch mía, lúa vận chuyển vất vả lắm. Nghe tuyên truyền thấy hợp lý, mọi người đều đồng tình ủng hộ” - anh vui vẻ nói. Con đường đó, mỗi hộ phải đóng góp hơn 200 nghìn đồng để đổ đất, hộ không có tiền thì góp ngày công. Đặc biệt, thôn có 4 hộ gia đình đồng tình hiến 270 m2 đất để mở rộng đường. Có đường, việc đi lại của người dân dễ dàng, thuận tiện. 

Người đưa đường, chỉ lối

Tin tức vụ lạc Đông Xuân 2018 của cán bộ xã Phúc Sơn được mùa, được giá lan rộng toàn huyện Chiêm Hóa. Bí thư Đảng ủy xã Chẩu Thanh Tùng kể: Chuyện là xã đưa kỹ thuật trồng cây lạc che phủ nilon vào trồng. Đây là kỹ thuật mới vừa đi học tập ở tỉnh bạn. Đảng ủy xã đã chỉ đạo cán bộ xã và cán bộ thôn thử nghiệm trước. Kỹ thuật mới này giúp các hộ thu hoạch sớm hơn nửa tháng nên bán được giá cao, năng suất gấp đôi. Toàn xã có 2 cán bộ thôn tiên phong tham gia cùng trồng, trong đó có Bí thư Chi bộ Lương Văn Ấu. Hỏi anh, nhưng Ấu khiêm tốn bảo “Nhà mình trồng ít lắm, chỉ có 2.000 m2 thôi”. Gia đình anh Ấu là hộ đầu tiên ở Búng Pẩu đưa kỹ thuật trồng lạc phủ nilon. Anh lý giải: “Mình là cán bộ, là đảng viên, phải làm trước để bà con theo chứ!”. Theo Bí thư Ấu, vụ lạc Đông Xuân năm 2018, hơn nửa số hộ dân Búng Pẩu đăng ký trồng lạc phủ nilon.

Anh Lương Văn Ấu chăm sóc đàn bò.

Anh Ấu kể: “Trước đây, tôi cũng bôn ba khắp nơi, làm nhiều nghề lắm, từ công nhân, chạy xe tải, nhân viên tiếp thị… Sau này, nhận thấy chẳng nơi nào phát triển kinh tế thuận lợi như địa phương mình, tôi nghĩ có đất, có rừng, có bàn tay, khối óc sao mình cứ phải bôn ba”. Bởi vậy, năm 2013, anh quyết tâm xây dựng chuồng trại phát triển kinh tế tổng hợp. Ban đầu anh nuôi lợn, sau gần 2 năm, anh phát triển hàng trăm con lợn đen. Ngoài nuôi lợn, anh nuôi thêm hơn hai chục con dê. Khi lợn rớt giá, anh chuyển hướng sang nuôi gà thịt. Bình quân mỗi năm anh nuôi 3 lứa, mỗi lứa hàng nghìn con gà.

Năm 2017, anh tiếp tục tìm hiểu, mạnh dạn phát triển chăn nuôi bò, vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm. Từ 9 con bò cái sinh sản, đến nay, trang trại gia đình anh có hơn 10 con bò và 3 con trâu sinh sản. Anh dành hẳn một bãi soi rộng trồng cỏ voi nuôi trâu, bò. Mỗi ngày anh cắt một chuyến xe cỏ voi, vậy là xong khẩu phần trâu, bò trong ngày. Bên cạnh đó, anh còn trồng hơn 8.000 m2 rừng keo, hơn 3.600 m2 mía, hơn 2.000 m2 lạc và cấy lúa. Tôi hỏi “Vừa việc thôn, nhà lại chăn nuôi, trồng cấy nhiều vậy, sao anh kham xuể?”. Anh cười: “Vất vả lắm cô ơi. Nhưng không làm thì bao giờ mới thoát nghèo”. Anh kêu vất vả nhưng tôi thấy trên gương mặt của anh luôn có nét rạng rỡ. 27 tuổi, anh được bầu làm trưởng thôn. 2 năm sau, anh tiếp tục được bầu làm Bí thư Chi bộ. Anh tâm sự: “Đó là một áp lực lớn, được tín nhiệm chính là động lực để tôi phải nỗ lực, cố gắng. Tôi nghĩ, cái gì mình cũng phải làm trước, làm tốt, làm lợi cho dân, thì bà con sẽ tin tưởng”. 

Nói về chuyện chuyển đổi phương thức sản xuất ở Búng Pẩu, anh Ấu bảo, trước đây bà con chủ yếu trồng cây lạc. Khi thôn đưa cây mía vào trồng, các hộ dân còn e ngại, chưa tin tưởng cây trồng mới. Lúc đó, anh Ấu có nhiệm vụ làm người đưa đường, chỉ lối, vừa làm vừa hướng dẫn bà con. Đến nay, cây mía là cây kinh tế chủ lực của bà con nhân dân trong thôn Búng Pẩu. Đây cũng là thôn có diện tích mía cao nhất của xã Phúc Sơn. Hay chuyện liên kết chăn nuôi lợn. Những năm 2011, thời điểm lợn giá cao nên trong thôn có rất nhiều hộ chăn nuôi lợn. Để giúp bà con có đầu ra ổn định, với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi lợn, anh đã liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con. Anh bảo: “Tới đây, tôi sẽ học hỏi mô hình nuôi bò nhốt chuồng, thành công tôi sẽ phát triển nhân rộng toàn thôn, hướng dẫn bà con cùng làm. Như vậy, bà con mới thoát nghèo bền vững được”. 

Qua mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo ở Búng Pẩu lại giảm đi. Năm 2010, Búng Pẩu có 40 hộ nghèo. Đến hết năm 2017, thôn giảm còn 13 hộ. Trong 8 năm liền thôn không có hộ tái nghèo, an ninh trật tự thôn ổn định. Giai đoạn 2013-2017, chi bộ liên tục đạt trong sạch vững mạnh. Thành quả là vậy, nhưng khi mọi người dành lời khen ngợi, anh Ấu chỉ khiêm tốn: “Tất cả vì niềm tin yêu của dân, cái gì có lợi cho dân thì mình làm”…

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục