Để nét văn hóa độc đáo “Then” phát triển xứng tầm

Năm 2019, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, ghi danh thêm một loại hình văn hóa dân gian của Việt Nam trên bản đồ di sản thế giới. Ở huyện Chiêm Hóa, Then từ lâu đã trở thành sản phẩm sáng tạo và nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang tính căn cốt trong văn hóa của đồng bào Tày nơi đây. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, song các nghi lễ gắn với Then vẫn luôn có sức sống mãnh liệt, là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Tày ở các bản làng của huyện vùng cao Chiêm Hóa.

Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, Then xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI. Then là một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Ở Chiêm Hóa, Then tồn tại ở hai dạng khác nhau, đó là loại hát then dùng thực hiện nghi lễ cũng và hát then biểu diễn văn nghệ. Đây là một loại hình nghệ thuật tổng hợp có văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật được lưu truyền rộng rãi trong quần chúng. Nghệ nhân dân gian Hà Thuấn, thôn Tân Hợp, xã Tân An, người dân tộc Tày đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng nghệ nhân văn hóa dân gian chia sẻ: Ở Chiêm Hóa, do then gắn với cây đàn tính “như hình với bóng” nên khi tìm hiểu về nguồn gốc của then, tất yếu phải tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ của cây đàn tính. Đàn Tính là nhạc cụ tiêu biểu có mặt nhiều hơn cả trong sinh hoạt âm nhạc của người Tày. Còn theo thầy Hà Ngọc Cao ở thôn Trung Quang, xã Xuân Quang thì ngày xưa hát then chủ yếu chỉ dùng để cũng bái, giao tiếp với thần linh trong các cuộc như lễ cấp sắc, lễ cầu mùa.. Còn hiện nay, ngoài những làn điệu then cổ giữ lại thì còn xuất hiện những bài then mới ngợi ca về tình yêu, quê hương, đất nước.

Nghệ nhân dân gian Hà Thuấn truyền dạy hát Then cho  thế hệ trẻ.

Trong những năm gần đây, hát then ở Chiêm Hóa được các cấp chính quyền quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hát then được phát triển. Tại các xã, thị trấn, trường học đã thành lập được các câu lạc bộ hát then, thu hút nhiều người ở các độ tuổi khác nhau tham gia. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 71 người am hiểu về then cổ, 21 người am hiểu về múa then, 35 người am hiểu về nghi lễ then tập trung ở các xã Tân An, Trung Hà, Xuân Quang, Nhân Lý..; toàn huyện có khoảng trên 600 người biết hát then, đánh đàn tính. Cùng với các bậc nghệ  nhân, những người có kinh nghiệm đi trước trong việc nghiên cứu về Then, đàn tính, thế hệ trẻ người Tày ở Chiêm Hóa hôm nay đã tiếp bước để đưa Then, Đàn Tính ngày càng phát triển sâu rộng, tiêu biểu như: anh Chu Văn Thạch – xã Hà Lang, chị Nguyễn Thị Hoán - xã Tân An, anh Ma Đình Chủng – xã Trung Hà, anh Ma Đức Hiền - xã Phúc Thịnh... Hàng năm, huyện Chiêm Hóa đã tổ chức hàng chục chương trình văn hóa, văn nghệ gắn với then và tổ chức cho các đoàn đi tham gia liên hoan tại các tỉnh và cấp Quốc gia; đi giao lưu tại Hàn Quốc. Với những nỗ lực đó, tiếng Then của Chiêm Hóa đã vang đến khắp mọi miền của đất nước, được nhiều người biết đến. 

Tiếng Then của Chiêm Hóa đã vang đến khắp mọi miền của đất nước, được nhiều biết đến.

Chiêm Hóa có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng biệt đã tạo nên một bức tranh đa màu sắc. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, các di sản văn hóa phi vật thể  được cộng đồng thế giới tôn vinh, được UNESCO công nhận như di sản Thực hành Then của người Tày. Thời gian qua, huyện Chiêm Hóa đã khôi phục và phát huy tốt các giá trị văn hóa dân tộc này. Các lễ hội truyền thống của dân tộc được phục dựng tổ chức hàng năm như: lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày ở các xã, mở các lớp truyền dạy hát Then, đánh đàn tính cho các thế hệ từ người già đến trẻ nhỏ, từ các bản làng vào đến trường học, với mong muốn đưa hát Then - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày càng được phát triển trong tương lai.

Anh Chu Văn Thạch – xã Hà Lang một trong những người trẻ đã tiếp bước đưa Hát Then, Đàn Tính ngày càng phát triển sâu rộng.

Then được khôi phục, được UNESCO công nhận Thực hành Then vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là niềm vui lớn không chỉ của đồng bào Tày huyện Chiêm Hóa mà còn là niềm vui chung của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, qua đó thể hiện sự đổi mới trong quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với giá trị văn hóa dân tộc. Huyện Chiêm Hóa đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với phát triển du lịch. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Văn Linh- Tài Tùng

Tin cùng chuyên mục