Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trên địa bàn

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn huyện. Sức mua hàng hóa giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là các dịch vụ du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận tải vắng hẳn do người dân hạn chế đi lại để phòng tránh dịch bệnh.

Trò chuyện cùng ông Ma Văn Dũng, chủ cửa hàng ăn Dũng Ngân, tổ 11/9 thị trấn Vĩnh Lộc ông Dũng cho biết: Dịp sau Tết được coi là thời điểm nhộn nhịp nhất của nhà hàng, ngay sau khi kết thúc đợt nghỉ Tết, nhà hàng đã chuẩn bị để phục vụ một lượng khách lớn. Nhưng trái ngược với mọi năm, do dịch Covid-19 bùng phát nên lượng khách đến nhà hàng giảm còn 1/3 so với cùng kỳ năm trước, kéo theo đó là doanh thu giảm. Nhà hàng hiện đang gặp khó khăn trong việc trả lương và duy trì số lượng nhân viên phục vụ. Ông Dũng cho rằng có lẽ đây là thời điểm bất ngờ nhất trong chặng đường kinh doanh của mình. Để phòng tránh dịch bệnh, tạo tâm lý ổn định cho khách hàng, chúng tôi đã triển khai một số giải pháp như: Giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; sử dụng nước rửa tay, khử khuẩn cho khách đến ăn tại nhà hàng.

Quán cà phê vắng khách vì dịch covid-19. 

Chị Nông Thị Trang, Chủ quán cà phê Xóm Vắng, tổ Vĩnh Hưng thị trấn Vĩnh Lộc cho biết: khi chưa có dịch covid-19 quán cà phê của chị tiếp đón vài chục lượt khách mỗi ngày, nhộn nhịp nhất là vào các buổi tối. Nhưng tại thời điểm này quán cà phê của chị Trang rơi vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu, bởi nhiều người đều chọn cách hạn chế tiếp xúc, không tụ tập nơi đông người với bất cứ lý do gì, điều này đã làm cho thu nhập của quán giảm hẳn. Để có thu nhập cho gia đình, chị Trang tạm thời chuyển sang làm công việc khác. 

Tương tự mặt hàng ăn uống, những ngày này các cửa hàng kinh doanh quần áo, giày dép ở thị trấn và chợ Trung huyện cũng trong tình trạng thưa vắng, ảm đạm. Nhiều hộ kinh doanh cho rằng: mỗi ngày cửa hàng ít nhất có vài chục khách ra vào lựa chọn thử đồ, nhưng hiện nay vắng hẳn luôn hoặc nếu có cũng chỉ vài người. 

Tình hình kinh doanh tại chợ trung tâm huyện cũng khá ảm đạm.

Ở một lĩnh vực khác, theo khảo sát của phóng viên, tại các nhóm trẻ tư thục trên địa bàn huyện cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh. Theo chỉ đạo của tỉnh về việc cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các nhóm trẻ đều phải đóng cửa. Chị Nguyễn Ngọc Chi, giáo viên nhóm trẻ  mầm non Sơn Ca tổ Vĩnh Khang, thị trấn Vĩnh Lộc, cho biết: Ngay khi khi có công văn chỉ đạo của Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Tuyên Quang, Phòng giáo dục đào tạo huyện Chiêm Hóa, nhóm trẻ Mầm non Sơn Ca đã tạm thời đóng cửa, những giáo viên tại đây phải tìm kiếm công việc làm thêm khác. Việc nghỉ lâu cũng ảnh hưởng đến lượng học sinh sau khi đi học. Để chuẩn bị cho việc đón, nhận trẻ ngay sau khi hết dịch,  nhóm trẻ đã tiến hành vệ sinh, phun độc khử trùng và duy trì liên lạc với phụ huynh để nắm tình hình sức khỏe của các cháu. 

Mặc dù ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nhưng các chủ cơ sở cũng rất quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, cho bản thân, gia đình và khách hàng như vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khủ trùng cơ sở, nhà hàng kinh doanh, trang bị đầy đủ nước rửa tay sát khuẩn. Với nhiều biện pháp được triển khai các nhà hàng, đơn vị kinh doanh trên địa bàn huyện quyết tâm chung tay góp sức cùng với chính quyền và nhân dân trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương./.

Ngọc Hiển - Hải Hà

Tin cùng chuyên mục