Nghiêm trị sử dụng thuốc trừ sâu quá mức trong nông sản

Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở cần lưu ý tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức. Cần phải nghiêm trị người đưa phân bón, thuốc trừ sâu quá mức vào sản phẩm tiêu dùng. Trong sản xuất, chế biến thực phẩm cũng quy định xử lý nghiêm với những hành vi dùng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật.

Tại nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm Thủ tướng ban hành có hiệu lực từ 20/10/2018 đã quy định cụ thể mức xử lý vi phạm về sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, chế biến thực phẩm.


Cơ quan chức năng kiểm tra tồn dư kháng sinh trong thịt lợn.

Theo đó, nếu sử dụng chất, hóa chất quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất, hóa chất vượt quá giới hạn cho phép hoặc không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng.

Mức phạt sẽ tăng lên từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng; Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 50.000.000 đồng.

Đặc biệt, mức phạt tăng tối đa lên 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu có hành vi  sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định số 115/2018/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra sẽ áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, như: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này; Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này; Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 10 tháng đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này; Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.

Đơn vị vi phạm các quy định trên cũng buộc phải khắc phục hậu quả, như tiêu hủy thực phẩm, chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật vi phạm quy định tại Điều này; Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.

Nghị định 115/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm mới có hiệu lực, thay thế Nghị định 178 ban hành từ năm 2013. Điều đặc biệt, Nghị định 115 loại bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo mà chỉ quy định hình thức phạt tiền. 

Mức xử phạt này cao hơn nhiều so với hành vi tương tương trong Nghị định 178, có hành vi tăng mức xử phạt gấp 2-3 lần, nhưng cũng có hành vi bị xử phạt tăng đến 10 lần (cụ thể như bơm tạp chất vào tôm với mức xử phạt tăng từ 300.000 đồng lên đến 3 triệu đồng).

Theo Dân trí

Tin cùng chuyên mục