Xuân Quang chú trọng phát triển kinh tế hộ

Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) đã gắn mục tiêu xây dựng nông thôn mới với phát triển kinh tế hộ gia đình; hướng dẫn và khuyến khích các hộ lựa chọn cây trồng, vật nuôi đạt chất lượng, hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện ở địa phương.

 

Mô hình nuôi gà thả vườn của gia đình chị Hà Thị Mai, thôn Làng Lạc,
xã Xuân Quang.

Gia đình anh Hà Doãn Dược, thôn làng Lạc, hiện đạt mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Anh Dược cho biết, hoàn cảnh kinh tế gia đình anh trước đây thuộc diện khó khăn của xã. Mong muốn vượt lên cảnh nghèo khó luôn thôi thúc trong anh, diện tích đất canh tác của gia đình ít, anh quyết định mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi lợn với quy mô lớn. Tuy nhiên dự án chăn nuôi lợn của anh ban đầu gặp không ít khó khăn, do ít vốn, lại thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, đặc biệt là ở khâu chọn giống. Trước đây, anh chủ yếu mua lợn giống từ các thương lái, chất lượng giống không tốt nên lợn sinh trưởng và phát triển chậm lại có nguy cơ dịch bệnh cao. Nhận thấy nhu cầu về giống để phát triển chăn nuôi của người dân địa phương là rất lớn, nên anh đã quyết định chuyển sang nuôi lợn sinh sản. Năm 2012 khi Dự án hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được triển khai tại địa phương, anh đã mạnh dạn đăng ký thực hiện mô hình nuôi lợn sinh sản với quy mô 33 con. Thực hiện mô hình này anh được nhận hỗ trợ 60 triệu đồng từ Dự án, anh đầu tư nuôi 30 con lợn nái sinh sản và 3 lợn đực giống siêu nạc để phục vụ lợn giống sạch của địa phương. Sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản đã cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định, lợn giống của gia đình anh được đông đảo bà con ở địa phương lựa chọn. Gia đình chị Hà Thị Mai cùng thôn làng Lạc, lại lựa chọn hướng đi khác là phát triển chăn nuôi gà thả vườn, giống gà ta của địa phương. Chị Mai chia sẻ, nhận thấy nhu cầu của thị trường rất chuộng giống gà ta, ngoài ra, giống gà ta đã được chăn nuôi từ lâu ở địa phương có khả năng chống chọi với dịch bệnh tốt hơn các giống gà khác, nên chị đã quyết định đầu tư phát triển chăn nuôi mô hình này. Hiện nay, mô hình chăn nuôi gà của chị có quy mô 400 con. Vừa qua, chị tiếp tục đăng ký tham gia vào Dự án hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung của địa phương, để mở rộng quy mô chăn nuôi của gia đình.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang, Nông Văn Tuấn cho biết: Thực hiện xây dựng nông thôn mới, tranh thủ mọi nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, ngoài đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, xã Xuân Quang chú trọng phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, đồng thời định hướng cho các hộ dân phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp VAC, VACR, trong đó lựa chọn loài vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã đến nay giảm xuống còn 13%, số hộ có thu nhập khá chiếm trên 60%.


Thông qua các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, từ năm 2012 đến nay xã đã triển khai thực hiện được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gồm 5 ha lúa cao sản tại thôn Nà Nẻm, 12 ha đỗ tương tại các thôn Trung Quang, Làng Lạc và Nà Nẻm, 20 ha lạc vụ xuân ở các thôn trên địa bàn toàn xã và nhiều dự án chăn nuôi khác… Thời gian tới, xã tiếp tục quy hoạch thêm 50 ha lúa chất lượng cao tại thôn Làng Lạc và Làng Ải, 45 ha lạc tại các thôn Thượng Quang, Trung Quang, Làng Lạc, Làng Ải, phát triển các mô hình chăn nuôi gà với tổng quy mô trên 14.000 con. Những dự án này đã và đang được người dân nhiệt tình hưởng ứng và đón nhận.

Văn Linh - Huy Dương

Tin cùng chuyên mục