Sức sống Kim Bình

Là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới sớm nhất trong tỉnh, sau hơn 3 năm về đích nông thôn mới, đời sống người dân xã Kim Bình (Chiêm Hóa) ngày càng phát triển, nhiều tiêu chí trước đây mới chỉ “cập” thì đến nay được nâng cao hơn. Kim Bình đang liên tục đổi thay, vươn lên từ chương trình xây dựng nông thôn mới.
 

Điểm vui chơi cho trẻ em ở thôn Tông Đình, xã Kim Bình do Đoàn xã xây dựng.

Phát huy vai trò đoàn thể trong dân vận

Ông Ma Đình Vũ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Kim Bình chia sẻ: Năm 2015, xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng lúc ấy một số tiêu chí mới chỉ đạt. Vì vậy, hàng năm Đảng bộ xã đều xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới, tập trung vào công tác vệ sinh môi trường, nhà ở dân cư và nâng cao thu nhập cho người dân. Giải pháp Đảng bộ xã thực hiện là phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong công tác dân vận.

Bí thư Đoàn xã Đặng Văn Thịnh là người nhiều năm tâm huyết với công tác đoàn. Anh bảo: “Xã đạt nông thôn mới rồi, nhưng nếu không cố gắng duy trì và nâng cao các tiêu chí thì lại thành nông thôn cũ. Đoàn viên, thanh niên trong xã khá đông, có gần 200 người nên phải tranh thủ huy động sức trẻ”. Riêng năm 2018, Đoàn xã thực hiện công trình trồng cây xanh ven lộ, thắp sáng đường quê tại nhiều tuyến đường, giúp đỡ nhân dân làm gần 400 mét kênh mương và đường giao thông nội đồng, làm sân thể thao và điểm vui chơi cho trẻ em trong xã, giúp đỡ nhân dân xây dựng lò đốt rác thải tại 7 thôn.

Còn anh Ma Quang Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã luôn “lăn lộn” với từng mô hình kinh tế của nhân dân. Thôn nào trồng nhiều ngô đông, hộ nào trồng nhiều chuối tiêu, hộ nào trồng gấc, nuôi thỏ, nuôi dúi… anh đều thuộc như lòng bàn tay. Khi cây ngô đông của xã phát triển lên tới trên 100 ha, anh lên mạng và thông qua những mối quan hệ bạn bè tìm địa chỉ tiêu thụ cây ngô cho bà con. Anh vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, Hội có trên 400 mô hình nông dân kinh doanh sản xuất giỏi các cấp, trong đó nhiều mô hình kinh tế độc đáo, mới, cho giá trị kinh tế cao. Anh còn cùng với các chi hội trưởng chi hội nông dân vận động nhiều hộ gia đình làm hầm biogas, vận động nhân dân vay vốn theo cơ chế hỗ trợ phát triển trang trại của tỉnh.


Mô hình trồng chanh tứ thì của anh Ma Vĩnh Tích (bên phải), thôn Pác Chài, xã Kim Bình.

Bằng sự nhiệt tình, tâm huyết, những người đứng đầu các tổ chức, đoàn thể xã đã khơi dậy được sự đồng thuận của đoàn viên, hội viên và nhân dân trong duy trì và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều tuyến kênh mương tiếp tục được kiên cố hóa, trên 4.000 mét đường điện thắp sáng được nhân dân đóng góp, nhiều cây xanh, hoa được trồng ven đường, tạo cảnh quan xanh, đẹp.

Nhiều mô hình kinh tế mới, thu nhập cao

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo nâng cao thu nhập cho người dân. Trở lại Kim Bình sau mấy năm mà chúng tôi thấy ngỡ ngàng. Xã không chỉ có cây mía, cây chuối tây nữa mà người dân đã năng động hơn. Nhiều mô hình kinh tế với cây trồng, vật nuôi mới cho giá trị kinh tế cao xuất hiện. Đó là các mô hình nuôi thỏ xuất khẩu sang Nhật, mô hình nuôi ốc nhồi, trồng cây ăn quả, trồng chanh tứ thì, bí siêu quả, trồng gấc…

Chúng tôi tìm đến mô hình nuôi thỏ của đoàn viên Lục Văn Thùy, thôn Đèo Lang. Anh Thùy còn chưa đến 30 tuổi nhưng khuôn mặt khá già dặn, có vẻ từng trải. Anh bảo, hiện nay mô hình nuôi thỏ của gia đình  có quy mô 500 con. Một năm có 7 tháng được xuất bán liên tục, ước trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 con được xuất bán, thu lãi gần 80 triệu đồng. Cũng theo Bí thư Đoàn xã Đặng Văn Thịnh, thôn Đèo Lang hiện nay có 3 mô hình đoàn viên nuôi thỏ. Một số thôn khác, đoàn viên, thanh niên lại đầu tư trồng cây có múi và bí siêu quả. Hộ anh Ma Vĩnh Tích, thôn Pác Chài hiện có trên 1.000 cây chanh tứ thì và 5 sào bí siêu quả. Anh là người hiện có diện tích trồng chanh tứ thì lớn nhất trong xã, mỗi năm thu trên 100 triệu đồng. Ngoài trồng chanh, mới đây anh còn đầu tư trồng 150 cây bưởi.

Ấn tượng nhất với chúng tôi là các mô hình nuôi ốc nhồi của các hộ dân trong xã. Tiêu biểu là hộ anh Ma Đình Tuyên, hội viên nông dân thôn Đồng Cột. Anh đã chuyển đổi 1.000 m2 diện tích mặt nước ao, ruộng trước đây nuôi cá và trồng lúa sang nuôi ốc nhồi. Anh  tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại chỗ như khoai, sắn, chuối và nguồn nước tự nhiên từ trên núi cao để nuôi ốc nhồi. Hiện nay sản phẩm không có đủ để bán vì chủ yếu tiêu thụ cho các nhà hàng, quán ăn ở thành phố. Vốn đầu tư không lớn nhưng lại được giá (80.000 - 100.000 đồng/kg) nên nuôi ốc nhồi ở ao, ruộng đang cho nhiều hộ dân ở Kim Bình thu nhập cao, ước thu lãi từ 50 - 80 triệu đồng/năm.

Đưa chúng tôi đi thăm các mô hình kinh tế mới, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ma Quang Tiến trăn trở: Đúng là Kim Bình đang có nhiều mô hình kinh tế mới, sản phẩm bước đầu đa dạng, nhưng mong muốn lớn nhất của xã là định hình được một sản phẩm nông nghiệp rõ rệt, quy mô sản xuất lớn. Mang những trăn trở này trao đổi với lãnh đạo xã, được biết, sản phẩm chanh tứ thì và thỏ thương phẩm đang được xã chú trọng khuyến khích nhân dân nhân rộng. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ma Đình Vũ cho biết thêm, nhờ nhiều mô hình kinh tế mới, cho thu nhập cao đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã lên trên 30 triệu đồng/người/năm, đảm bảo kế hoạch đề ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã. 

Từ thực tế ở Kim Bình có thể thấy, kiên trì thực hiện chương trình nông thôn mới đã mang lại cho xã một sức sống mới bền vững, không ngừng nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục