Nhịp sống mới dưới chân đèo Gà

Đứng từ đèo Gà nhìn xuống thung lũng Làng Đẩu, xã Hòa Phú, Chiêm Hóa là những thủa ruộng bậc thang đầy sắc vàng, con đường bê tông uốn lượn dưới chân đèo, những nếp nhà mới ẩn hiện sau những tán rừng. Kể từ ngày bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, cuộc sống nơi đây đang đổi thay từng ngày.


Ngôi nhà mới xây khang trang ở thôn Làng Đẩu dưới chân đèo Gà.

Thung lũng Làng Đẩu một bên nằm dưới chân đèo Gà còn bên kia nằm dưới núi Cham Chu. Nơi này vốn trước đây chỉ có thôn Làng Đẩu, sau tách thành 3 thôn gồm Cây La, Tát Đam và Lăng Lằm. Khi thực hiện việc sáp nhập thôn bản theo chủ trương mới của tỉnh thì Tát Đam và Lăng Lằm sáp nhập lại lấy tên cũ là Làng Đẩu, thôn Cây La thì được giữ nguyên. 

Từ đường tỉnh lộ 176 chạy sâu vào giữa thung lũng đến ngã ba có đường rẽ lên xóm Tát Đam là trung  tâm của thôn Cây La. Ở đây có một phân hiệu của Trường Tiểu học Hoà Phú được lấy tên là phân hiệu Làng Đẩu, học sinh tiểu học của 2 thôn Cây La và Làng Đẩu học ở đây. Phân hiệu này năm 2018 được đầu tư xây mới với cơ sở vật chất khang trang sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu học hành của con em hai thôn. 

Nhà ông Ma Văn Mế, bà Phương Thị Tỵ, thôn Cây La nằm ngay ngã ba Làng Đẩu. Vừa tra xong diện tích ngô vụ Đông về, bà Tỵ vui vẻ cho biết, năm nay bà tra được 10 kg ngô giống, tăng hơn 2 kg so với năm ngoái. Những năm gần đây, sản xuất vụ Đông đối với bà con Cây La còn được chú trọng hơn là vụ chính, thu nhập tính ra cao gấp đôi vụ chính. Không có chỗ đất nào trống, gia đình nào không làm được thì cho gia đình khác mượn làm. Như năm ngoái, trồng 8 kg giống bà Tỵ thu được gần 20 triệu, năm nay chắc sẽ được nhiều hơn, bà Tỵ ước tính như vậy.


Gia đình bà Phương Thị Tỵ, thôn Cây La chăn nuôi lợn.

Gia đình ông Mế, bà Tỵ được đánh giá là một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế của thôn. Ngoài làm nông nghiệp, gia đình ông Mế còn trồng 6 ha rừng, cứ trung bình 2 năm ông lại được bán gỗ 1 lần, mỗi lần được ngót trăm triệu. Ông Mế còn sắm công nông và máy xay sát làm dịch vụ. Bà Tỵ nấu thêm rượu, chăn nuôi đàn lợn trên 30 con. Buổi sáng bà Tỵ còn làm xôi để bán cho phụ huynh, học sinh. 

Ở thôn Cây La, gia đình anh Hà Văn Tích cũng là hộ điển hình làm kinh tế, ngoài làm ruộng, gia đình anh còn trồng nấm từ nhiều năm nay. Công việc làm nấm đem lại thu nhập cho gia đình anh mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Anh Tích dành hẳn một ngôi nhà rộng hàng trăm mét vuông để đầu tư trông nấm. Anh Tích cho biết, giá nấm ổn định, thị trường tiêu thụ dễ dàng, nên anh đang có ý định mở rộng thêm xưởng trồng nấm và đầu tư máy nghiền mùn cưa.

Ông Hà Văn Mế, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Cây La cho rằng, bà con ở đây có truyền thống chăm chỉ, ai cũng ham công tiếc việc, nên việc đồng áng, việc chăn nuôi, việc nhà cửa chẳng cần phải nhắc nhở nhiều bà con đều tự giác làm. Trong thôn, nhiều hộ gia đình giống như nhà ông Mế, bà Tỵ tích cực tăng gia sản xuất, làm thêm nhiều việc khác để phát triển kinh tế. Đặc biệt, nhờ trồng cây ngô vụ Đông cung cấp thức ăn cho trại bò mà mấy năm gần đây, mỗi hộ có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng. Nhờ vậy, thôn có 110 hộ chỉ còn có 3 hộ nghèo, thôn có trên 70% là hộ khá giả. Thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng. Mọi công trình hạ tầng của thôn đều đã hoàn thành.

Trên con đường bê tông vào thôn Làng Đẩu, chốc chốc bắt gặp những ngôi nhà xây mới khang trang, hiện đại. Trong thôn có tới 3 đại lý bán hàng tạp hóa với rất nhiều chủng loại hàng hóa phục vụ bà con. Anh Hà Văn Tuân, Trưởng thôn Làng Đẩu cho biết, thôn có 144 hộ thì hiện chỉ còn 3 hộ nghèo. Bà con trong thôn đều tích cực làm ăn, người thiếu việc thì đi làm công ty. Thôn có hơn 500 nhân khẩu thì hiện có tới 70 người đi làm ăn xa. Cái được lớn nhất là ai đi làm cũng tích cóp tiền mang về kiến thiết nhà cửa, có nhiều nhà còn mua sắm được cả ô tô con.


Anh Hà Văn Tích, thôn Cây La với mô hình trồng nấm.

Thôn có 5,8 km đường thì bà con đã bê tông hết. Sau khi sáp nhập, bà con 2 thôn làm thêm 420 m đường bê tông qua cánh đồng bậc thang nối liền 2 thôn khỏi phải đi vòng từ ngã 3 như trước đây. Hệ thống kênh mương được kiên cố hóa, ruộng nương canh tác thuận lợi nên nhà nào cũng thừa lương thực để chăn nuôi. Vì vậy, tổng đàn gia cầm ở thôn lên đến hàng ngót cả vạn con. Trong thôn có nhiều hộ nuôi lợn có quy mô lớn, điển hình gia đình anh Ma Văn Hội, bà Hà Thị Vĩnh… thường xuyên duy trì 7-8 lợn nái gần 100 con lợn thịt. Thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt trên 3,2 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hà Văn Tinh, thôn Làng Đẩu cho rằng, cuộc sống của bà con được đổi thay trong mấy năm gần đây là từ khi bà con hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Có đường giao thông thuận tiện, đã thúc đẩy giao thương hàng hóa. Người dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm. Nhờ vậy đã đem lại diện mạo mới cho vùng quê này như ngày hôm nay. 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục